|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 16/12, Bộ NN&PTNT
tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp nhà ở an toàn phòng chống thiên tai do Bộ NN&PTNT.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được hơn 3.450 ngôi nhà cho người dân vùng lũ. Trong đợt mưa lũ kéo dài tháng 9-10/2020 vừa qua, nhà ở an toàn đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.
Phát triển nhà ở phòng, chống thiên tai là câu chuyện chủ yếu thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng, tuy nhiên Bộ NN&PTNT mong muốn, ở góc độ cơ chế của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, sẽ có vai trò phối hợp liên ngành để tạo ra các chương trình lớn hơn, đồng bộ hơn; giống như Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của bà Đoàn Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&PTNT), đối với người giàu thì nhà ở an toàn trước thiên tai không là vấn đề lớn. Tuy nhiên, với các hộ nghèo thì còn khó khăn. Bên cạnh đó, có tình trạng hiện nay, nhiều nhà ở phòng, chống thiên tai được xây dựng không an toàn do kết cấu không bảo đảm, hoặc do người dân chưa biết cách sử dụng...
Tại cuộc họp, KTS Lã Thị Kim Ngân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), bày tỏ quan điểm: “Nhà ở an toàn cho người dân vùng lũ không phải là câu chuyện mới. Các bộ ngành, địa phương cũng như các tổ chức đã có sự quan tâm, nhưng vẫn chủ yếu theo hình thức lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm, chưa có sự phối hợp đồng bộ”.
Theo KTS Lã Thị Kim Ngân, các đơn vị vẫn thực hiện các dự án hỗ trợ một cách lẻ tẻ. “Tổng cục Phòng, chống thiên tai hiểu về nguy cơ, Bộ Xây dựng giỏi về thiết kế nhà ở, nhưng vì sao thiệt hại về nhà ở vẫn rất lớn? Câu chuyện cũ, nhưng phương pháp, cách thức thực hiện thì chưa có lời giải…”, KTS Lã Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm.
Tại cuộc họp, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất được làm thí điểm nhà ở an toàn tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai là: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Đây là 3 khu vực có đặc điểm thiên tai mang tính đại diện. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ thiết kế một tổ hợp quần cư, từ đó nâng cấp các mẫu nhà ở. Đồng thời, thi công triển khai các tổ hợp này; làm cơ sở đánh giá để phát triển trên diện rộng…
Nhấn mạnh câu chuyện nhà ở an toàn là rất quan trọng trong phòng, chống thiên tai, thực tế nhiều dự án xã hội cũng đã vào cuộc, có nhiều sáng tạo, nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, còn nhiều câu chuyện cần tìm lời giải. “Lựa chọn một nhà ở an toàn cho vùng lũ ở Việt Nam khác thế giới như thế nào vì còn yếu tố địa hình, thiên tai, văn hoá truyền thống… Thứ nữa là các yếu tố về cộng đồng, kinh tế, vì không phải gia đình nào cũng có xuất đầu tư nhà ở kiên cố 2-3 tầng. Do đó, cách làm thế nào để người dân vùng lũ tiếp cận được cũng rất quan trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam lựa chọn một số mẫu phù hợp để đề xuất nhân rộng. Về cách làm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị nghiên cứu định hướng để Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc. Đặc biệt là với doanh nghiệp, phải kêu gọi sự tham gia ngay từ đầu. Ở đó, Nhà nước cần có hỗ trợ những khâu thiết yếu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong năm 2021, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị giới thiệu một số mẫu nhà để các địa phương vùng lũ phổ biến đến người dân. Nghiên cứu lựa chọn mẫu nhà phù hợp. Đặc biệt sẽ thí điểm làng mang tính cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Về phía Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tiếp tục nghiên cứu công nghiệp hoá việc sản xuất hàng loạt nhà ở an toàn phòng, chống thiên tai trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ. Về lâu dài, cần tính đến các yếu tố để đảm bảo cuộc sống đàng hoàng cho người dân, ngay cả trong tình trạng bão lũ.
Đỗ Hương