Xây dựng Nhà nước pháp quyền để phụng sự nhân dân tốt hơn 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nhấn mạnh tinh thần của Đề án nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững.

Chiều 3/7, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã họp Phiên thứ nhất tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Dự Phiên họp còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Dự họp còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án.

Trước Phiên họp thứ nhất, ngày 1/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc trong gần 5 giờ với các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước để lắng nghe những ý kiến góp ý xây dựng Đề án quan trọng này.  

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo 
Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu.
(Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền và tinh thần bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp 1946. Vấn đề này cũng đã được khẳng định trong Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội một lần nữa đều khẳng định vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó có các yêu cầu: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo các cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước. Yêu cầu thứ hai là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với 21 thành viên, bao gồm 8 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Do Đề án có phạm vi nghiên cứu rộng, dự kiến trình Trung ương vào tháng 10/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào các nội dung như: Thời gian xây dựng Đề án; xác định mốc thời gian tổng kết việc xây dựng bộ máy Nhà nước và các giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền đến 2030 và định hướng đến năm 2045; kế hoạch phân công công việc của các thành viên Ban Chỉ đạo để đảm bảo có kết quả tốt nhất. Chủ tịch nước cũng đề nghị các đại biểu góp ý vào dự thảo Đề cương ban đầu của Đề án, cho ý kiến đối với số lượng các chuyên đề thành phần và phạm vi nghiên cứu của các chuyên đề. Nội dung nữa là thảo luận kế hoạch phân công các cơ quan, tổ chức xây dựng Đề án và hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh tinh thần cần xây dựng một Đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan Nhà nước, thực sự là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá cần thiết để xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công. Trong đó, có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Đặc biệt cần bám sát nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở. 

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất nhiều phương án xác định mốc thời gian nghiên cứu của Đề án trên cơ sở đúc rút thành tựu 35 năm đổi mới của đất nước. Tán thành với nội dung của 12 chuyên đề thành phần, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất nghiên cứu mở rộng thêm một số vấn đề lớn khác như: Vị trí vai trò các cơ quan Nhà nước đặt trong các mối quan hệ lớn; nghiên cứu sâu thêm về cải cách tư pháp trong khuôn khổ Đề án; nghiên cứu việc sửa đổi hệ thống pháp luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số ý kiến cũng đề nghị cần đặt vấn đề nghiên cứu Nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Trong tiến trình nghiên cứu, mỗi chuyên đề cần chỉ rõ những điểm mới, điểm đột phá để thảo luận, thống nhất ý kiến hoàn thiện Đề án.

 Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN)

Một số ý kiến đề nghị cần tập trung nghiên cứu, tổng kết đánh giá thực trạng, kết quả của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay; coi đây là thực tiễn quan trọng để xây dựng các giải pháp hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tương lai.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần của Đề án nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững. 

Đánh giá cao các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo thể hiện trách nhiệm, trí tuệ và kinh nghiệm công tác, Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của Đề án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm phụng sự nhân dân tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng Đề án cần có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 và đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Giao thường trực Ban Chỉ đạo tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý tại Phiên họp, Chủ tịch nước cũng mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo góp ý trực tiếp vào các vấn đề được đưa ra; đánh giá khách quan, đúng mức tình hình thực tiễn.

Về kế hoạch xây dựng Đề án, Chủ tịch nước ghi nhận các ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhưng cần có nhiều đổi mới, không phải “bổn cũ chép lại” và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ tịch nước nêu rõ quan điểm xây dựng Đề án, phát huy chủ trương của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật có tính khả thi cao trong thực tế.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng lưu ý các cơ quan liên quan mời các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia trong quá trình xây dựng Đề án để Đề án có chất lượng tốt nhất. Về mốc thời gian nghiên cứu, qua các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước cho rằng, lựa chọn mốc thời gian từ 1991 đến nay là phù hợp, song trong từng chuyên đề thành phần có thể lựa chọn mốc thời gian nghiên cứu linh hoạt, phù hợp. Các chuyên đề cần có tính hệ thống, có yếu tố đổi mới, đột phá với những bước đi vững chắc, thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là khắc phục tư duy cục bộ, tư duy ngành trong quá trình nghiên cứu.

Nhấn mạnh tiến độ xây dựng Đề án cần báo cáo Trung ương vào tháng 10/2022, Chủ tịch nước yêu cầu các chuyên đề phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và cơ sở lý luận cao. Chủ tịch nước mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập và các cơ quan được phân công dành thời gian nghiên cứu, tổng hợp đúng thời hạn Ban Chấp hành Trung ương đã giao./.

 
Quang Vũ/TTXVN
497 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 962
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87120991