Hơn 60 chuyên gia, thầy thuốc và sinh viên YHCT đã thảo luận nhằm chấm dứt việc sử dụng và kê đơn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ - Ảnh: VGP/Hiền Minh
Ngày 8/6, tổ chức Traffic (một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững thông qua việc tập trung giám sát các hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã) phối hợp với Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội thảo "Xây dựng nền y học cổ truyền đổi mới, phát triển bền vững và không sử dụng ĐVHD trái phép".
Tham gia Hội thảo có các hội viên thuộc Hội Đông y Việt Nam – những người trực tiếp tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cùng thảo luận và hướng đến việc giảm nhu cầu sử dụng các loài ĐVHD trong thực hành y học cổ truyền.
Theo bà Nguyễn Tuyết Trình, Giám đốc tổ chức Traffic tại Việt Nam, một khảo sát do tổ chức này thực hiện năm 2020 cho thấy, cứ 4 thầy thuốc y học cổ truyền và bác sĩ tham gia khảo sát thì có 1 người thừa nhận đã từng kê đơn hoặc tư vấn sử dụng sừng tê giác, các sản phẩm từ tê tê và hổ cho bệnh nhân trong vòng 2 năm trở lại đây. Các thầy thuốc y học cổ truyền là một trong những cá nhân ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
Chính vì vậy, thông qua Hội thảo này, Giám đốc tổ chức Traffic tại Việt Nam hy vọng, dưới sự hướng dẫn của Ban Chuyên môn thuộc Hội Đông y Việt Nam, các thầy thuốc y học cổ truyền sẽ sẵn sàng thay đổi hành vi và hướng đến việc thực hành y học cổ truyền sử dụng những nguồn dược liệu thay thế an toàn, hợp pháp và bền vững, góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học và các giống loài ĐVHD trên toàn thế giới cũng như chặn đứng hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. Đồng thời, tìm kiếm các sản phẩm thay thế và cung cấp những hướng dẫn cần thiết để các thầy thuốc y học cổ truyền có thể sử dụng các sản phẩm thay thế.
Tại Hội thảo, hơn 60 chuyên gia, thầy thuốc và sinh viên y học cổ truyền đã thảo luận và cùng thúc đẩy những sáng kiến mới, nhằm chấm dứt việc sử dụng và kê đơn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ.
TS. BS Hoàng Thị Hoa Lý, Chánh Văn phòng, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, sự phát triển của nền y học cổ truyền Việt Nam luôn đảm bảo không là mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sự sống của loài động và thực vật hoang dã. COVID-19 đã đặt ra nhiều quan ngại về hoạt động buôn bán ĐVHD, "chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nhằm chấm dứt nhu cầu sử dụng không bền vững các loài ĐVHD. Chúng ta cần mạnh mẽ đấu tranh chống lại việc sử dụng ĐVHD trái phép để hướng đến những phương pháp chữa bệnh bền vững và hợp pháp".
Ths. BS Nguyễn Văn Thế, Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công an cũng kêu gọi các thầy thuốc y học cổ truyền và toàn xã hội sử dụng những bài thuốc, sản phẩm có nghiên cứu khoa học, hiệu quả và bền vững. Thay vì sử dụng và kê đơn từ sừng tê giác, vẩy tê tê và các sản phẩm từ hổ, người tiêu dùng hãy sử dụng những dược liệu hiệu quả và có sẵn khác. Chúng ta không thể phủ nhận vị trí và tầm quan trọng của y học cổ truyền trong hệ thống y tế Việt Nam, nhưng chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe cộng đồng trong mối liên hệ với bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Và việc sử dụng các loài ĐVHD được pháp luật bảo vệ có thể sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của người thầy thuốc y học cổ truyền.
Theo bà Nguyễn Tuyết Trình, tổ chức Traffic cam kết sẽ thúc đẩy khuynh hướng thực hành y học cổ truyền an toàn, hợp pháp và bền vững thông qua việc trang bị cho cộng đồng y học cổ truyền những nguồn lực và công cụ cần thiết để hành động hướng đến một nền y học cổ truyền nói không với ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.
Hiền Minh