Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính - ngân sách nhà nước được triển khai (Ảnh: M.P)
Từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công nhằm đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng XII được ban hành, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành NQ số 25/2016/QH14 về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Những Nghị quyết này xác định mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công dựa trên các thành phần quan trọng, gồm: Cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thu nội địa để bù đắp sự suy giảm thu cân đối xuất nhập khẩu, thu dầu thô; cơ cấu lại chi ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ưu tiên trung dài hạn của nền kinh tế, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư; giảm bội chi ngân sách và cơ cấu lại nợ công, giảm rủi ro kỳ hạn, rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất, kiểm soát nợ công trong giới hạn quy định.
Các Nghị quyết nêu trên cũng đề ra hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về: Cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công...
Đi kèm đó, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền ban hành các đề án Luật, Nghị định, thông tư để làm cơ sở pháp lý thực hiện. Cụ thể từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 81 nghị định, 15 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 296 thông tư, trong đó, có thể kể đến một số văn bản đã hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tái cơ cấu NSNN, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn hiệu quả theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Quản lý nợ công sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Các Nghị định về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và Nghị định số 148/2017/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước,… Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) đồng thời nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các chính sách về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…
Đổi mới tinh gon bộ máy, hiệu quả (Ảnh: M.P)
Tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả
Trong quá trình cơ cấu lại NSNN, nợ công, triển khai Nghị quyết số 18 –NQ/TƯ và Nghị quyết số 19 – NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tinh gọn bộ máy hiệu quả, hiệu lực và đổi mới tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), ngành tài chính đã kịp thời tham mưu các cấp thẩm quyền các giải pháp vừa tạo nền tảng pháp lý, vừa tạo động cơ, động lực thực hiện đối với các ngành, các cấp, các đơn vị, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, gắn với Luật NSNN năm 2015, Luật Phí và lệ phí và các nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, tạo môi trường thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên hỗ trợ các ĐVSNCL khối Trung ương gắn với lộ trình tăng giá phí theo quy định, tăng tự chủ, kết quả từ năm 2016 đến nay đã cắt giảm được khoảng 3.500 tỷ đồng chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các ĐVSNCL gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí; yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tự cân đối nguồn làm lương năm 2016-2018 và từ năm 2017 không bố trí dự toán kinh phí riêng cho đối tượng hợp đồng 68 mà đưa vào định mức chi thường xuyên lĩnh vực quản lý hành chính;... Đồng thời, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, thúc đẩy các ĐVSNCL chuyển thành công ty cổ phần; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công (DVSNC), từng bước phát triển thị trường DVSNC.
Riêng năm 2019, ngoài việc giảm chi thường xuyên NSNN theo lộ trình điều chỉnh giá DVSNC, đã yêu cầu các ngành, các cấp dành ra trên 10.000 tỷ đồng gắn với triển khai các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 19 – NQ/TƯ để hỗ trợ các đối tượng chính sách, tạo nguồn cải cách tiền lương, bổ sung đầu tư, mua sắm trang thiết bị trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần cơ cấu lại chi thường xuyên xuống dưới 62% tổng chi NSNN.
Đối với bản thân ngành tài chính, hệ thống tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị ngành dọc như Thuế, Kho bạc Nhà nước (KBNN), Hải quan, Dự trữ Nhà nước, đã được quy hoạch, sắp xếp, tinh gọn đầu mối, tăng hiệu quả. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 1567 đầu mối, trong đó cấp phòng và tương đương thuộc các Vụ/Cục thuộc Cơ quan Bộ giảm 06 đơn vị; cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ giảm 03 đơn vị; cấp phòng thuộc Cơ quan Tổng cục giảm 25 đơn vị; cấp phòng, chi cục và tương đương cắt giảm 214 đơn vị (Giải thể 01 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh; giải thể 43 Phòng Giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh; hợp nhất, sáp nhập 10 Chi cục dự trữ nhà nước thành 05 Chi cục, hợp nhất 194 chi cục thuế cấp huyện thành 92 chi cục thuế khu vực; cắt giảm 63 phòng thuộc Cục thuế cấp tỉnh); cấp tổ (đội) tại địa phương cắt giảm được 1.319 tổ (đội).
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Đến năm 2019, Bộ Tài chính thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 4.973 chỉ tiêu biên chế hành chính (giảm 6,7%) so với năm 2015, đảm bảo đến năm 2021 thực hiện được mục tiêu giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015. Trên cơ sở đó, năm 2019, ngành tài chính đã giảm chi được 1.500 tỷ đồng do giảm các nhu cầu chi về cơ sở vật chất gắn với tinh gọn bộ máy, giảm biên chế...
Đánh giá chung đến nay, phần lớn các mục tiêu về cơ cấu lại ngân sách, nợ công đề ra cho năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện đạt và vượt, như: giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên/trong tổng dự toán chi NSNN từ mức 64,9% năm 2017 xuống 63,8% năm 2019 (mục tiêu năm 2020 dưới 64%), đồng thời tăng tương ứng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển từ 25,7% lên 26,3% (mục tiêu khoảng 25-26%), trong khi giảm được bội chi NS xuống bình quân giai đoạn 2016-2018 là 3,8% GDP (bình quân 5 năm giai đoạn 2011-2015 là 5,4%), toàn bộ số vay nợ bù đắp bội chi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển; nợ công giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống 58,4% năm 2018. Ngành tài chính cũng đã tích cực, tiên phong trong việc triển khai các Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng khích lệ tuy nhiên, mục tiêu về cơ cấu lại thu ngân sách còn hạn chế, cơ cấu thu ngân sách trung ương và địa phương vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết. Nguyên nhân một phần do dự kiến tăng trưởng kinh tế thời điểm xây dựng các nghị quyết ở mức tương đối cao và một phần do chậm triển khai hoàn thiện các chính sách thu. Việc triển khai cơ cấu lại chi ngân sách cũng gặp nhiều thách thức, do chậm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Trung ương về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Về đổi mới ĐVSNCL, đến nay, các Bộ mới trình Chính phủ ban hành 02/08 Nghị định tự chủ theo lĩnh vực; riêng lộ trình tính giá DVSNC, đến nay, 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong chi ngân sách là y tế và giáo dục – đào tạo, thì mới có lĩnh vực y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh và mới bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa bao gồm chi phí quản lý và chi phí khấu hao...
Các thành quả đạt được bước đầu là tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết, nhất là trong bối cảnh áp lực nhu cầu chi thường xuyên tăng lên gắn với thực hiện Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trong khi khả năng tăng thu có giới hạn khi hội nhập sâu rộng nền kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp thẩm quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội./.
Minh Phương