PGS.TS Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm các nhà nghiên cứu độc lập cho biết nhóm đã khảo sát tình hình hoạt động các trường đại học NCL trong cả nước cho thấy, số trường đại học NCL đã tăng từ 5 trường (năm 1994) lên 60 trường vào cuối năm 2016 (hiện cả nước có 271 trường đại học), phát triển tại 26 tỉnh, thành phố. Cơ sở vật chất của các trường hiện được đánh giá là ở mức khá, số lượng phòng học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện các trường đại học NCL có hơn 253.000 sinh viên theo học, chiếm 13% sinh viên các trường đại học. Theo thống kê của các trường đại học NCL, có 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 1 năm ra trường và nhiều trường có số lượng sinh viên sau ra trường có việc làm lên đến 97%.

Tuy nhiên, các trường đại học NCL đang phải cạnh tranh “không cân sức” với các trường công lập có bề dày lịch sử phát triển và được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người,…

Hoạt động các trường đại học NCL hiện vẫn còn không ít khó khăn. Về cơ sở vật chất, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho biết, tính trung bình, mỗi trường đại học NCL có khoảng 3,6 cơ sở đào tạo, thể hiện sự phân tán trong hoạt động đào tạo, khó có thể tạo lập môi trường học tập tốt cho sinh viên. Một vấn đề đáng lưu ý là có 5 trong số 12 trường đại học NCL có thời gian hoạt động hơn 20 năm nhưng vẫn phải thuê 100% cơ sở đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tạ Thúy)

Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường đại học NCL là trên 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, số còn lại là giảng viên thỉnh giảng. Đặc biệt trường đại học Quốc tế Bắc Hà có 97 giảng viên thì số lượng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên cơ hữu (48 cơ hữu và 49 thỉnh giảng). Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư phần lớn là cán bộ nghỉ hưu, có tuổi cao, khả năng cập nhật kiến thức khoa học hạn chế. Giảng viên của trường NCL đa phần có trình độ cử nhân. 

Trong công tác tuyển sinh hiện các trường NCL đang gặp những khó khăn. Nếu trong giai đoạn 2013 – 2015, mỗi năm có gần 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường NCL thì đến năm 2016 con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên. Tình trạng thiếu sinh viên dẫn đến các khoa, bộ môn của trường không đủ kinh phí duy trì hoạt động, đầu tư cải tiến chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu nhập của giảng viên của bị ảnh hưởng.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để các trường đại học NCL phát triển nhanh và bền vững, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các trường phải tự nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho rằng, các chính sách của Nhà nước phải hướng đến tạo môi trường thuận lợi để các trường đại học NCL tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và NCL.

Các đại biểu cũng thống nhất, các trường đại học NCL phải tự nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần phải có sự bình đẳng giữa trường công và trường tư, bởi như ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân, nói: Cái lớn nhất của trường đại học NCL là đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội mà nhà nước không phải đầu tư.

Hiện, kinh phí hoạt động của các trường NCL cũng bị hạn chế do đó đại biểu đề nghị các trường NCL được giữ lại tiền thuế để tái đầu tư mạnh mẽ. Mặt khác, đối với các trường công lập thì Nhà nước chỉ nên bao cấp những ngành mà trường tư không làm được. 

Một số ý kiến kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các trường đại học NCL về việc thực hiện cam kết (về cơ sở vật chất, nhân sự, tài chính…) khi thành lập trường và có chế tài xử lý đối với những trường hợp không tuân thủ cam kết.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá, hệ thống các trường đại học NCL đã đóng góp tích cực vào công tác giáo dục, đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước, đóng thuế, tạo việc làm cho hàng nghìn giáo viên… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, các trường NCL hiện còn rất nhỏ về quy mô, thiếu thốn và chưa đảm bảo như những cam kết, chất lượng sinh viên chưa cao, các hoạt động của các nhà trường chưa đồng bộ; phần lần lớn hoạt động chủ yếu là đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa nhiều, thậm chí nhiều trường chưa chú trọng nghiên cứu khoa học…

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 sẽ có 40% sinh viên đại học học tại các trường đại học NCL, do đó vấn đề hiện nay là phải có giải pháp để các trường đại học NCL phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy, cần đánh giá đúng thực trạng, các kết quả đạt được và những điều chưa đạt được của các trường đại học NCL; tìm hướng giải quyết các khó khăn cho các trường. Chính phủ đang mạnh dạn thực hiện xã hội hóa giáo dục, tự chủ đại học; tạo môi trường phát triển tốt cho các trường đại học NCL, tiến tới bình đẳng trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước đối với các trường đại học NCL, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường đại học NCL cần giải quyết các vướng mắc từ nội bộ và không ngừng nỗ lực vươn lên để phát triển.

Theo Bộ trưởng, cơ chế tốt đến mấy mà các trường không tự thân thì sẽ rất khó. Đề nghị các trường rà soát lại, phải đối chiếu với cam kết ban đầu, có kế hoạch cụ thể để thực hiện đúng cam kết. Bộ sẽ tăng cường thanh tra nếu trường nào không thực hiện như cam kết sẽ xem xét dừng chứ không phải vì kéo dài khó khăn đến mức ảnh hưởng chất lượng, gây bức xúc dư luận.

Ghi nhận các kiến nghị của các trường, Bộ trưởng cho biết, tinh thần là các quy định nào thuộc thẩm quyền của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ sẽ phân loại và giải quyết ngay, cái nào thuộc thẩm quyền Chính phủ hay địa phương Bộ sẽ có kiến nghị, để tạo thuận lợi cho các trường. “Những điều chỉnh về cơ chế chính sách sắp tới sẽ rất chú ý đến sự bình đẳng. Bình đẳng mà chúng ta hướng đến không có nghĩa cào bằng mà là tạo cơ hội cho các trường đại học NCL có thể tiếp cận với các nguồn lực về đất đai, thuế, học bổng cho sinh viên, nguồn lực giáo viên…để qua đó xây dựng một hệ thống đại học NCL phát triển ổn định”- Bộ trưởng khẳng định./.

VL