Xây dựng mô hình cộng đồng làng xã các-bon thấp ứng phó với biến đổi khí hậu 

(ĐCSVN)- Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của khu vực nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Trước thực tế đó, các nhà khoa đã nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã các bon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đồng bằng Bắc Bộ hiện là nơi phải đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, những thách thức này ngày một tăng lên, khó khăn và phức tạp hơn như lũ lụt, sạt lở bờ biển, thiếu nước trong mùa khô, xâm ngặp mặn, hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều… gây ảnh hướng đến đời sống, sinh kế người dân trong khu vực này.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất nông nghiệp

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ” do PGS.TS Nguyễn Văn Nội, Trung tâm Động lực học Thủy khí môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

Việc xây dựng mô hình cộng đồng các bon thấp, chống chịu cao giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời giúp các địa phương quản lý tốt chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo ra nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020.

Đề tài đưa ra được cơ sở khoa học, thực tiễn của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ;  xây dựng bộ tiêu chí của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ; xác định được đặc trưng của nước thải tập trung tại xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định khảo sát đánh giá tổng quan nhu cầu sử dụng điện, nước và ước tính được lượng CO2tđ phát thải liên quan tại xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định; đánh giá tổng quan thực trạng quản lý rác thải sinh hoạt và phế phẩm phụ nông nghiệp ở một số địa phương ven biển thuộc Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Đề tài tính toán khả năng chống chịu và phát thải khí nhà kính được áp dụng thí điểm cho 2 xã Lam Điền và Hải Đông trên cơ sở số liệu thu thập và điều tra thực tế. Kết quả tính toán sẽ đánh giá khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, về mức độ đáp ứng với các tiêu chí nông thôn mới, chính sách phát triển kinh tế xã hội, mức độ phát thải khí nhà kính (so với kịch bản do IPCC), đề xuất để làm cơ sở đưa ra bộ tiêu chí.

Song song với đó, các nội dung liên quan tới việc xây dựng mô hình trình diễn, các giải pháp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu áp dụng tại 2 xã thí điểm đã và đang được triển khai thực hiện.

Tại xã Lam Điền, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội, việc cải tiến hệ thống chuyến hoá chất thải chăn nuôi thành khí sinh học từ hệ thống hiện có tại địa phương với qui mô 5-10 m3 đã hoàn thành và được người dân đưa vào sử dụng. Hệ thống cải tiến hoạt động ổn định, loại bỏ mùi hiệu quả và nâng tỉ lệ khí CH4 từ 64-65% lên 87-90%. Đồng thời, giá trị COD trong nước thải sau biogas đã giảm đáng kể.

Kết quả tính toán khả năng giảm phát thải khí nhà kính từ mô hình hệ thống đã cải tạo cho thấy, việc cải tạo giảm đáng kể lượng phát thải ra môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho người sử dụng. Mô hình thử nghiệm hệ thống chuyến hoá tổ hợp chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt thành khí sinh học quy mô pilot 1-2 m3 tại xã thí điểm Lam Điền đã được triển khai lắp đặt và đang được vận hành thử nghiệm để hoàn thiện. Than sinh học, các chế phẩm từ cặn thải, dịch của biogas đã được nghiên cứu chế tạo từ nguồn nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp tại địa phương, và đang được triển khai sử dụng trong mô hình để thử nghiệm khả năng cải tạo đất.

Mô hình hệ thống chuyến hoá chất thải sinh hoạt kết hợp phế phụ phẩm nông nghiệp thành khí sinh học và chất cải tạo đất quy mô 1-2 m3 cũng đang được triển khai tại xã thí điểm Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định. Các nội dung liên quan tới việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải giàu chất hữu cơ, quay vòng tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; hệ thống thu gom, lưu trữ và xử lý nước mưa thành nước sinh hoạt qui mô hộ gia đình 2-3 m3, phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương; thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời đều đã thu thập được đầy đủ các thông số đầu vào, đã tiến hành tính toán, thiết kế và đang trong giai đoạn lắp đặt tại địa phương. Chuỗi các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền nâng cao nhận thức về cộng đồng cacbon thấp và chống chịu biến đổi khí hậu, các giải pháp quản lý rác thải, cải thiện hiệu suất sử dụng nguồn tài nguyên cũng đã được tổ chức trong năm 2017 tại xã Lam Điền và xã Hải Đông.

Có thể nói, việc xây dựng mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH ở vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Qua đó, giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về BĐKH, tác động của BĐKH, các giải pháp hạn chế tác động của BĐKH, cũng như cách sống chung thích ứng với BĐKH. Các hoạt động được triển khai trong mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH tập trung vào các lĩnh vực quản lý chất thải, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống và nhận thức của người dân... Mục tiêu chung và cũng là đích cuối cùng hướng tới của mô hình cộng đồng cacbon thấp chống chịu cao với BĐKH là giảm thiểu và thích ứng với BĐKH dựa trên cơ sở sự phát triển bển vững, tổng thể và hài hoà các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường.

VA

545 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78246836