|
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc hội thảo. |
Ngày 22/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo Đề án “Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới” tại khu vực phía Nam. Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh: Từ khi thành lập cùng với nhiệm vụ chiến đấu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, toàn quân sẵn sàng tham gia lao động sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương đơn vị góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc; là nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước, tạo tiền đề vững chắc xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại.
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Vũ Hải Sản, đến nay nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế chưa được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ để quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, bất cập cả về môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và phương thức kết hợp; nhiều tiềm năng, thế mạnh của quân đội chưa được khai thác và phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, rất cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Vì vậy, cần phải làm rõ nội dung, quân đội làm gì, làm như thế nào để tham gia lao động sản xuất kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới.
Thượng tướng Vũ Hải Sản đề nghị, các đại biểu dự hội thảo thập trung đánh giá tình hình thế giới khu vực tác động đến nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung, làm rõ vai trò của quân đội trong tập trung thực hiện các mô hình tăng gia sản xuất, các mô hình kinh tế có giá trị lâu dài, phù hợp với điều kiện của địa phương...
|
Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng trình bày Dự thảo Đề án. |
Đề dẫn Hội thảo do Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết: Đề án "Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong tình hình mới" nhằm nghiên cứu các nhóm nhiệm vụ và giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó Đề án đề xuất danh mục các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo từng giai đoạn trong tổng thể hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế của quân đội theo tình hình mới; đưa ra những định hướng cơ bản về nhiệm vụ thường xuyên và sẽ được triển khai thực hiện theo các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án.
Dự thảo đề án có 5 phần chính, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thành lập và chỉ đạo chặt chẽ Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án căn cứ các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, kết quả sơ, tổng kết và tình hình thực tế để nghiên cứu, xây dựng Đề án đúng nguyên tắc, quy trình. Ban Chỉ đạo, tổ soạn thảo đã hội thảo nhiều lần; đồng thời, gửi xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan và nhận được các ý kiến tham gia. Dự thảo Đề án đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp và đạt được sự đồng thuận cao cả về bố cục, nội dung...; một số ý kiến khác được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, làm rõ để xây dựng, hoàn thiện Đề án.
|
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chia sẻ tại hội thảo. |
Các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận, tập trung nội dung về nhiệm vụ các khối đơn vị thường trực trong việc tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, tạo ra của cải vật chất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, người lao động gắn với xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật trong khu vực phòng thủ; nhiệm vụ các đoàn kinh tế quốc phòng trong xây dựng và phát triển khu kinh tế quốc phòng ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; nhiệm vụ các doanh nghiệp Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; nhiệm vụ các đơn vị hoạt động theo mô hình kinh tế sự nghiệp trong việc tham gia sản xuất kinh tế để duy trì nguồn lực quốc phòng.
Tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, cần đặt nhiệm vụ Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh kinh tế thế giới và nước ta trong giai đoạn mới gắn với chiến lược xây dựng kinh tế độc lập tự chủ sẽ chịu tác động cả tích cực và tiêu cực của chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách thuế, tiền tệ, tỷ giá...; môi trường đầu tư; sự vận hành của bộ máy hành chính các cấp... Vì vậy, theo TS.Trần Du Lịch, cần xem xét việc triển khai Đề án này là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị các cấp, chứ không phải nhiệm vụ riêng của Bộ Quốc phòng.
|
Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi tại hội thảo. |
Nhất trí với ý kiến của TS.Trần Du Lịch, Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Đề án là một nội dung rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Đề án là cơ sở để Quân đội ta tiếp tục phát huy truyền thống hoàn thành thắng lợi chức năng, nhiệm vụ là "đội quân lao động sản xuất" chủ động tạo nguồn lực vững chắc, đảm bảo cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ vị trí, vai trò, sứ mệnh của thành phố đối với sự phát triển chung của cả nước, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; đặt các yếu tố kinh tế – văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các dự án do nước ngoài đầu tư, liên doanh, liên kết được hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ.
Kết luận hội thảo, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu đã dành tâm huyết tham gia đóng góp cho Đề án.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu tại hội thảo Đề án khu vực phía Nam và khu vực phía Bắc (tổ chức ngày 13/7/2023), Bộ Quốc phòng trân trọng tiếp thu và giao cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hoàn thiện Đề án báo cáo cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương để lấy ý kiến các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.