Xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn từ ý tưởng đến hiện thực 

NDO - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn, trình Chính phủ. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Hồ Đại Nam, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Tổ phó Tổ công tác tỉnh Quảng Trị phối hợp xây dựng đề án.

Quảng Trị nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế đông- tây

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Đặc biệt trong 60 năm qua, kể từ ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962-05/9/2022) một chương mới đã mở ra trong quan hệ hai nước, hai dân tộc đã luôn sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế đông-tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế đông-tây”. Quảng Trị là tỉnh nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) về phía Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn trình Chính phủ là việc làm rất cần thiết.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào dài 2067km, đến nay đã hình thành 8 cặp cửa khẩu quốc tế (riêng tỉnh Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ Lao Bảo và La Lay). Xuất phát từ vị trí chiến lược của tuyến Đường 9 và điều kiện tự nhiên thuận lợi tại khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và Đensavẳn (Savannakhet - Lào), năm 1997 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thống nhất chủ trương nghiên cứu xây dựng khu vực Lao Bảo-Đensavẳn thành “Khu vực thương mại tự do” với các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, năm 1998, chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 về Quy chế “khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị” (sau đổi thành Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo); Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định số 25/TTg, ngày 25/3/2002 thành lập Khu thương mại biên giới Đensavẳn. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đã có những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách để tiếp tục tạo động lực cho khu vực Lao Bảo-Đensavẳnn phát triển phù hợp bối cảnh, tình hình mới.

Xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn từ ý tưởng đến hiện thực ảnh 1

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhìn từ phía Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan Thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào) đang phối hợp tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn trình Chính phủ. Hy vọng từ việc thí điểm triển khai Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn, các ban, bộ, ngành và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào sẽ có được mô hình để nghiên cứu nhân rộng trên tuyến biên giới Việt-Lào, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương hai nước có các cặp cửa khẩu đường bộ.

Phác thảo mô hình Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung

Trên thế giới, các khu kinh tế xuyên biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên quốc gia. Khái niệm “Khu kinh tế xuyên biên giới” được hiểu là hai hay nhiều nước chọn ra một khu vực có đường biên giới chung để hình thành nên một khu kinh tế đặc biệt, trong đó các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp cùng hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đặc thù của Khu kinh tế xuyên biên giới tồn tại song song hai cơ chế: quản lý nội địa của mỗi nước và quản lý hợp tác xuyên biên giới hai hoặc nhiều nước, được hưởng các chính sách đặc thù của Chính phủ hoặc liên Chính phủ để thu hút đầu tư.

Đã có nhiều mô hình kinh tế xuyên biên giới thành công trên thế giới. Tại châu Á cũng vậy, nhiều mô hình hợp tác xuyên biên giới (cross border growth triangle - CGT) đã đem lại thành công như tam giác phát triển giữa bang Johor của Malaysia, Singapore và quần đảo Riau của Indonesia (hình thành năm 1980). Năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chủ trương xây dựng một số khu hợp tác kinh tế qua biên giới, đến nay đang trong quá trình nghiên cứu.

Trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam và Lào hiện tại chỉ duy nhất ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Đensavẳn đã thành lập 2 khu kinh tế (Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Đensavẳn (Lào) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet đề xuất hai chính phủ cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn.

Theo dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu, đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng cách ly tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD)... Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, các thỏa thuận biên giới, các hiệp định Lào, Việt Nam đã ký kết. Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các Khu kinh tế, thương mại hai nước.

Các cơ chế chính sách mới tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp “phi thuế quan” như tạo thuận lợi về lao động (cư dân thường trú trong khu vực Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung được cấp thẻ thông hành biên giới để đi lại, tỷ lệ lao động người Việt Nam làm việc tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn, tỷ lệ người Lào làm việc tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được phép cao hơn quy định hiện hành của pháp luật hai nước...); tạo thuận lợi trong thủ tục đầu tư, vay vốn (doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Khu thương mại biên giới Đensavẳn được áp dụng thủ tục đầu tư, vay vốn đơn giản như đầu tư trong nước). Các giải pháp trên sẽ khắc phục các rào cản đối với các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào trong thời gian vừa qua, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu thương mại biên giới Đensavẳn.

 

Tính khả thi của đề án

Những năm gần đây các hoạt động đầu tư vào địa bàn huyện Sepon (nơi có Khu thương mại biên giới Đensavẳn) dọc theo tuyến Đường 9 có nhiều chuyển động mới, một số dự án gia công sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu về cảng Đà Nẵng đưa sang Lào và xuất khẩu sản phẩm qua các cảng biển Việt Nam đã làm gia tăng nhanh chóng lượng hàng hóa và phương tiện qua cặp cửa khẩu Lao Bảo-Đensavẳn. Năm 2020 Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã làm thủ tục cho 17.262 tờ khai hàng hóa quá cảnh (tăng 53% so với năm 2019) với trị giá hàng hóa quá cảnh 8,9 tỷ USD. Năm 2021, trị giá hàng hóa quá cảnh 12,1 tỷ USD, số lượng container quá cảnh đạt 106.872 lượt.

Xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn từ ý tưởng đến hiện thực ảnh 2

Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Tháng 12/2021, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane-Boten-Côn Minh (Trung Quốc) khánh thành, lượng hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi Trung Quốc đã gia tăng đáng kể do chi phí giảm khoảng 40% so vận tải đường bộ và thời gian vận tải được rút ngắn. Đã có một số doanh nghiệp các tỉnh phía nam xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường bộ Đông Hà-Lao Bảo-Vientiane và kết nối với đường sắt Vientiane-Côn Minh do chi phí vận tải thấp hơn so với vận chuyển ra Lào Cai xuất khẩu đi Côn Minh.

Trong lúc hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) bế tắc do tình hình an ninh phức tạp tại vùng biên giới Thái Lan-Myanmar nên cửa khẩu Myawaddy-Maesot giữa Myanmar và Thái Lan hạn chế hoạt động, một hành lang mới đã hé mở đầy hứa hẹn: hành lang GMS (Tiểu vùng sông Mekong) nối Việt Nam-Lào-Trung Quốc qua tuyến Đường 9 .

Tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet-Lao Bảo dài 220km, Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch kéo dài tuyến đường bộ cao tốc hiện có (dài 1400km) từ Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan sang Lào-Việt Nam-Campuchia để gia tăng hoạt động thương mại với hy vọng sẽ đem lại thịnh vượng cho các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ, tuyến Đường 9 đang được xem là ưu tiên hàng đầu. Khu vực Lao Bảo-Đensavẳn có điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics.

Tháng 10/2022 vừa qua, đại diện tập đoàn Sakae Holding (Singapore) đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Savannakhet và khảo sát thực tế Khu thương mại biên giới Đensavẳn để chuẩn bị cho việc phối hợp khảo sát, điều chỉnh quy hoạch và xúc tiến các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore trong thời gian tới; Tập đoàn T&T (Việt Nam) đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo hình thức PPP gắn với việc mở rộng và khai thác khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Đensavẳn đi EU, Hoa Kỳ và hàng hóa từ khu phi thuế quan các nước vào các khu phi thuế quan tại Lao Bảo-Đensavẳn.

Theo dự thảo Đề án được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet xây dựng, thay vì dựa vào các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách Nhà nước như trước đây, lực hấp dẫn đối với Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳnn chủ yếu dựa vào các cơ chế “phi thuế quan“ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, dịch vụ logistics.

Dự thảo Đề án cũng xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ doanh nghiệp (dự kiến khoảng 70-80%) theo hình thức PPP, hình thức này Chính phủ Lào đang áp dụng thành công tại cửa khẩu Vang Tao (tỉnh Champasack đối diện cửa khẩu Chong Mek tỉnh Ubon Rathchathani của Thái Lan). Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước (Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Pon sack - Lào, Tập đoàn Sakae Holding - Singapore...) đã đến khảo sát đề xuất dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi hàng hóa chuyên dùng (than, quặng sắt, sắn củ tươi), khu kho bãi phục vụ kiểm hóa, tập kết phương tiện, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Đensavẳn. Một số doanh nghiệp của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến viên nén năng lượng, may xuất khẩu tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn để sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ hoặc được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ (C/O) từ Lào.

Niềm tin chính trị và tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào đã được thử thách qua thời gian là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của việc triển khai thí điểm Khu kinh tế xuyên biên giới chung giữa hai nước.

Dự thảo Đề án lựa chọn cách tiếp cận thận trọng, làm từng bước từ dễ đến khó, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và thông lệ quốc tế, hai bên cùng có lợi, các cơ chế chính sách áp dụng chung tại Khu kinh tế xuyên biên giới sẽ được thực hiện thí điểm trước khi ban hành chính thức. Chủ thể hợp tác là hai địa phương nhưng có sự quản lý, giám sát từ Trung ương. Sau khi có chủ trương của Chính phủ hai nước, hai bên sẽ thành lập nhóm chuyên gia chung để phối hợp hoạt động trong đề xuất chính sách và theo dõi quá trình triển khai thực hiện, kiến nghị điều chỉnh khi xét thấy cần thiết.

Việc phối hợp vận hành các cơ chế, chính sách áp dụng chung dự kiến hai Chính phủ sẽ giao cho chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet trực tiếp thực hiện nhưng có sự quản lý, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, các vấn đề phát sinh từ Trung ương, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư. Dự kiến hai Chính phủ sẽ ký hiệp định để làm cơ sở cho các bộ, ngành hai nước và chính quyền hai tỉnh Quảng Trị-Savannakhet trong triển khai thực hiện.

Ý tưởng về xây dựng Khu thương mại tự do tại khu vực Lao Bảo-Đensavẳnn đã được Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và Lào ấp ủ từ hơn 20 năm trước và với Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022, giấc mơ về ngôi nhà chung cơ chế Lao Bảo-Đensavẳn cùng các chính sách ưu đãi vượt trội, hấp dẫn đầu tư trên hành lang kinh tế đông-tây đang dần trở thành hiện thực.

 

https://nhandan.vn/xay-dung-khu-kinh-te-thuong-mai-xuyen-bien-gioi-chung-lao-bao-densavan-tu-y-tuong-den-hien-thuc-post726233.html

287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 811
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 811
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87205330