Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII 

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đánh giá “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng”, và khẳng định “Nguyên nhân quan trọng nhất là sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”.

Bước sang giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước nói chung và Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị nói riêng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, là nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].

Từ việc xác định quan điểm lấy dân làm gốc, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của Nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”[2].

Đi sâu vào từng nội dung, Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra yêu cầu: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Động viên cựu chiến binh, công an hưu trí phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong xây dựng và bảo vệ  Đảng, Nhà nước và nhân dân…”[3].

Để đạt được yêu cầu đoàn kết, tập hợp phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Đại hội XIII xác định phải “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư… Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Có thể khẳng định, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta xác định đây là một trong những công tác cơ bản được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình vận động cách mạng, trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng và dân tộc. Quan điểm chỉ đạo của Đảng đã góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền vững, không ngừng mở rộng và phát huy được tối đa sức mạnh.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định, 5 năm qua (2015-2020), vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; điều kiện nguồn lực của tỉnh chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển; thiên tai, dịch bệnh, sự cố ô nhiểm môi trường biển, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020… , “Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã thực hiện cơ bản mục tiêu đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”[4]. Đây là thành quả quan trọng, ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị với khát vọng vươn lên, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ tỉnh đã đúc rút ra được bài học kinh nghiệm quý báu “Luôn giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị…”[5]. Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định: “Phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững”.

Để đạt được mục tiêu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đưa ra các quan điểm tư tưởng, giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Phát huy vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao chất lượng giáo dục ý thức giai cấp, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, ý thức phấn đấu vươn lên của giai cấp công nhân trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật trong thế hệ trẻ. Chăm lo nâng cao trình độ, kỹ năng, đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội cựu chiến binh các cấp, rèn luyện, giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “bộ đội Cụ Hồ”. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên, hội quần chúng. Tăng cường bình đẳng, đoàn kết, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội….

Những quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc nói trên đã được thể chế hóa và từng bước đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đang phải chịu tác động của đại dịch Covid-19. Chính thời điểm này, chúng ta được chứng kiến một tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của toàn dân tộc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, quyết tâm, chung sức của toàn dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại nước ta nói chung, tỉnh nhà nói riêng đã đạt được những thành quả bước đầu.

Tỉnh Quảng Trị, tính từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên năm 2020, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tỉnh như Y tế, Công an, Quân đội, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công thương…, đặc biệt là chính quyền cơ sở, các tầng lớp nhân dân đã cùng nhau đoàn kết, khẩn trương bước vào cuộc chiến, ngày đêm bám trụ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, thiết lập các chốt kiểm dịch, tổ tuần tra, Tổ Covid-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để quản lý, cách ly những người có nguy cơ.

Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay chống dịch của tỉnh nhà, hàng trăm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng tỷ đồng đóng góp vào Quỹ ủng hộ phòng, chống Covid -19 và hỗ trợ người dân Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận gặp khó khăn.  Trên tuyến đầu, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội ngày đêm không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân, và rất nhiều những câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Châu Minh

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr 28-29.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr 165-166.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr 171-172.

[4] Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Trị, 2020, tr 9.

[5] Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Trị, 2020, tr 48.

 

4500 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77026274