Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nêu rõ, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam (Điều 37 Hiến pháp năm 2013); Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và năm 2019, Việt Nam kỷ niệm 30 năm gia nhập Công ước; Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững có nội dung rất rộng lớn với cách tiếp cận đa chiều. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có yêu cầu phòng ngừa và giảm đáng kể tình trạng xâm hại, bóc lột, mua bán và tất cả các hình thức bạo lực trẻ em (Mục tiêu 16.2 của Chương trình Nghị sự 2030).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ĐB)
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, tồn tại. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thực hiện chưa đầy đủ. Thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em, nguồn lực triển khai không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng, nhân dân quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật...
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF phát biểu, bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ em và toàn xã hội. Bạo lực trẻ em ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, nhận thức và tình cảm của trẻ, gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ có nguy cơ bỏ học, có kết quả học tập kém, có hoạt động tình dục sớm, phải làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên, có các vấn đề về hành vi như trở nên hung dữ hoặc phạm tội khi đã trưởng thành. Bạo lực trẻ em cũng gây thiệt hại lớn cho xã hội và phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế. Đồng thời thảo luận về cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình mới./.
Minh Thư