Xây dựng hình ảnh người làm công tác thi hành án dân sự “thân thiện”, “gần gũi” trong xã hội 

(ĐCSVN) - Theo Tổng Cục trưởng THADS Nguyễn Quang Thái, công việc thi hành án khó khăn, phức tạp nhưng rất đỗi tự hào vì đã góp phần đưa công lý vào hiện thực cuộc sống. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức THADS cần tự giữ mình, thận trọng, khách quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ; cùng nhau xây dựng hình ảnh “thân thiện”, “gần gũi” của người làm công tác THADS trong con mắt người dân, các bên liên quan và trong xã hội.

Hệ thống cơ quan THADS ngày càng lớn mạnh

Phóng viên (PV) : Ông đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong sự phát triển của đất nước?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Tháng 8/1945, Nhà nước cách mạng Việt Nam ra đời khởi đầu cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL, một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Ngành Thi hành án dân sự.

Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các thế hệ cán bộ THADS đã nối tiếp nhau nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, cống hiến công sức và trí tuệ với nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái. Ảnh: TL.

Sự trưởng thành có thể nhận thấy ở nhiều góc độ khác nhau: (i) Nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đồng thời Hệ thống THADS cũng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về THADS, thi hành án hành chính (THAHC); (ii) Có được hệ thống pháp luật THADS tương đối đầy đủ, đồng bộ với nòng cốt là Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành (từ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, kiểm tra, v.v); (iii) Có bộ máy tổ chức các cơ quan THADS từ Trung ương đến cấp huyện với chức năng, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vinh dự khi mang trọng trách đưa nội dung của bản án, quyết định của Tòa án thực thi trên thực tế (hằng năm các cơ quan THADS đang phải tổ chức thi hành với số lượng từ 800 đến 900 ngàn vụ việc với số tiền lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, qua đó góp phần giải phóng một nguồn lực rất lớn cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật); (iv) Chất lượng, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức THADS cũng ngày càng được nâng lên cho dù khối lượng, áp lực công việc ngày càng lớn (có những vụ việc phải thi hành lên tới hàng ngàn đương sự, số lượng tiền phải thi hành hàng ngàn tỷ đồng, tính chất pháp lý của tài sản vô cùng đa dạng, phức tạp.v.v); (v) Nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cấp cơ sở. Thi hành án dân sự không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan THADS thực sự trở thành nòng cốt của quá trình tổ chức thi hành, đưa bản án, quyết định của Tòa án vào cuộc sống.

Sau 30 năm chuyển giao công tác THADS và xây dựng hệ thống cơ quan THADS theo mô hình tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đến nay, hệ thống THADS đã được xây dựng, kiện toàn với 08 Vụ và tương đương thuộc Tổng cục, 63 Cục THADS ở cấp tỉnh và 702 Chi cục THADS ở cấp huyện và  11.211 công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống.

Giao chỉ tiêu đi đôi với xác định các giải pháp cụ thể, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan

PV: Trong bối cảnh án dân sự ngày càng gia tăng về số lượng việc và tiền, nhiều vụ việc khó khăn phức tạp, toàn Hệ thống đã đề ra giải pháp gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Hiện nay án dân sự có xu hướng ngày càng tăng về số lượng việc tiền, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, gây ra không ít khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Theo số liệu thống kê toàn hệ thống THADS trong 09 tháng năm 2023, số lượng việc phải thi hành tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2022, số lượng tiền phải thi hành tăng 19,08% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TL. 

Trong bối cảnh đấy, Tổng cục THADS đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo cả hệ thống THADS bao gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục THADS và các Cơ quan THADS địa phương để cố gắng thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước, cụ thể:

Giao chỉ tiêu đi đôi với việc xác định các giải pháp cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan trong Hệ thống THADS từ Tổng cục, Cục, đến các Chi cục.

Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các vụ việc khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành, các vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; Tăng cường kiểm soát công tác xác minh điều kiện thi hành án, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa, thẩm định giá... theo đúng quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ các vụ việc cưỡng chế, nhất là kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án; chú trọng công tác phối hợp liên ngành để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong THADS (nhất là các cơ quan trong khối nội chính); tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác THADS, nhất là công tác cán bộ và việc tháo gỡ, giải quyết những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Chú trọng kiểm tra (bắt đầu từ công tác tự kiểm tra; kiểm tra cấp trên đối với cấp dưới; giám sát chặt chẽ đối với khâu dễ sai phạm như cưỡng chế, bán đấu giá, thu chi thi hành án); thực hiện tốt công tác tiếp công dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, coi đây là kênh rất quan trọng để kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên.

Đề cao vai trò của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động THADS; Kiên quyết xử lý nghiêm đối với sai phạm trong THADS; nhất là những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; trường hợp đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự thì chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định, v.v.

Bên cạnh đó, Tổng cục THADS cũng thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ngân hàng nhà nước ở các cấp..vv... để thống nhất chỉ đạo đối với cơ quan THADS địa phương, thông báo kết quả THA hàng quý tới cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan THADS địa phương đạt và vượt tiến độ đã đặt ra.

Tập trung mọi nguồn lực thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

PV: Thời gian tới, công tác THADS có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Vậy các cơ quan THADS sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm nào?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Thời gian tới, công tác THADS có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, vì vậy, các cơ quan THADS sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác THADS, theo dõi THAHC. Xác định công tác hoàn thiện thể chế về THADS là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu qua đó triển khai có hiệu quả định hướng của Đảng: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. ... Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí.”

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về thể chế và tổ chức thi hành án dân sự, từ đó khắc phục những hạn chế, thiếu sót tồn tại trong thời gian qua. Đề cao thỏa thuận, tự định đoạt của các bên đương sự trong THADS, đồng thời kiểm soát tốt tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ Chấp hành viên THADS, bảo đảm hoạt động THADS được thực hiện chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Mọi hoạt động của đội ngũ Chấp hành viên đều bị kiểm soát bởi cơ chế, pháp luật và kiểm sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát nhân dân. Tập trung chỉ đạo xử lý tài sản kê biên bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản để đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Theo dõi đầy đủ, kịp thời các vụ việc THAHC tại địa bàn; kịp thời thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm THAHC, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Toà án;

Thứ ba, tăng cường thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Tổng cục, với các cơ quan THADS địa phương để giải quyết công việc được thuận lợi, kịp thời, đảm bảo chất lượng;

Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 03 năm chưa thi hành xong...;

Thứ năm, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 196/QĐ-TCTHADS ngày 03/3/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS về việc ban hành Quy chế kiểm tra trong THADS. Việc kiểm tra, tự kiểm tra phải nghiêm túc, tránh hình thức, kịp thời phát hiện, khắc phục những vi phạm, thiếu sót, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm do lỗi cố ý. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể để phòng ngừa các vi phạm pháp luật được chỉ ra trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hình chính, đặc biệt khai thác có hiệu quả các phần mềm đang sử dụng trong Hệ thống THADS để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động THADS. Tập trung nghiên cứu các giải pháp cải cách hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí trong quá trình THADS.

Thừa uỷ quyền, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác THADS. Ảnh: TL.

Xây dựng hình ảnh người làm công tác THADS “thân thiện”, “gần gũi”

PV: Nhân ngày Truyền thống ngành THADS, trên cương vị là người đứng đầu hệ thống THADS, ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến đội ngũ cán bộ, chấp hành viên của mình?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện rất nhiều giải pháp kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác THADS. Nhiều giải pháp đã thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống nên về cơ bản vi phạm trong THADS ngày càng được kiểm soát. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, công chức thuộc Hệ thống THADS trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; ngăn chặn, loại bỏ điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống THADS là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang làm công tác THADS cùng nhau ôn lại truyền thống và lòng tự hào nghề nghiệp. Vì vậy, tôi mong rằng mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm công tác THADS luôn tự hào về công việc của mình, công việc khó khăn, phức tạp nhưng rất đỗi tự hào vì mình đã góp phần đưa công lý vào hiện thực cuộc sống. Từ đó, bồi dưỡng lòng yêu ngành, yêu nghề, tiếp tục cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của Hệ thống THADS nói riêng và Ngành Tư pháp nói chung.

Với tinh thần đó, tôi mong rằng mỗi công chức thi hành án dân sự hãy tự hành trang cho mình kiến thức pháp luật dày dặn, bài bàn, chuyên nghiệp, bản lĩnh trong nghề nghiệp với một đạo đức trong sáng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức THADS cần tự răn mình, giữ mình, thận trọng, khách quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Cùng nhau xây dựng hình ảnh “thân thiện”, “gần gũi” của người làm công tác THADS trong con mắt người dân, các bên có liên quan đến quá trình thi hành án và trong xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Cục trưởng!/.

 
Vy Anh
175 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1210
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1210
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113635