|
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ngày 21/8 tại TPHCM, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị về công tác phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Tính đến hết quý I/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với thị trường EU, tính đến nay, Việt Nam hiện có mức thặng dư thương mại với EU khoảng 26 tỷ USD hàng năm với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh là nông lâm thủy sản, da giày, dệt may. Đến nay, EU gần như chưa có động thái gì nhiều cho việc này trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng không thể lơ là trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh EVFTA được thực thi thì việc gia tăng các biện pháp PVTM tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là các biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Từ đó làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp...
Ông Phan Khánh An, Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại bày tỏ lo ngại trong khi nguy cơ ngày càng gia tăng các biện pháp PVTM từ nhiều thị trường xuất khẩu thì sự hiểu biết của DN xuất khẩu Việt Nam còn rất hạn chế. Theo một khảo sát gần đây, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM, chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ, còn đa phần các DN có biết, nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đối với thị trường EU, nguy cơ để sử dụng các biện pháp PVTM với nhau là tương đối thấp so với các thị trường khác vì hàng hóa hai khu vực mang tính bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Việt Nam cũng đã nhận định được những mặt hàng xuất khẩu sang EU có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản để các DN có sự chuẩn bị, ứng phó khi có các vấn đề phức tạp xảy ra.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.
Lê Anh