Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Vì vậy, công tác xây dựng gia đình văn hóa tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng bộ với phong trào "chung sức xây dựng nông thôn mới", bao gồm các nội dung thi đua: Sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, nuôi con con khỏe, dạy con ngoan, gia đình, dòng họ hiếu học ... Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, đến nay toàn tỉnh có 142.723/167.693 gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 92,1%; 789/799 làng, bản, khu phố được công nhận văn hóa, đạt tỷ lệ 98,7%.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, gia đình và công tác gia đình ở tỉnh ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới còn nhiều khó khăn và bất cập.... Các giá trị tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Những vấn đề trên cản trở rất lớn trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương.
Để phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa lồng ghép với phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào "chung sức xây dựng nông thôn mới", trọng tâm là: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng, bản, phố văn hóa, gia đình văn hóa. Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lao động nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn, xây dựng gia đình văn hóa, tài liệu hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới, làm cho mỗi hộ gia đình biết rõ phải làm gì, xóm mình làm công trình nào trong năm nay, đóng góp bao nhiêu, bằng hình thức gì...Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho phong trào thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tổ chức xây dựng gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư. Coi trọng việc giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Tăng cường đầy tư các nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với phương châm xã hội hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào, đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đưa hoạt động này thành định kỳ thường xuyên của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới là sự vun bồi cho những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi được tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân đồng thời với việc quan tâm của các ngành, đoàn thể, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy sẽ giúp phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn. Quốc Thanh