Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới 

Công tác tuyên giáo của Đảng luôn được xác định là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, là cơ sở để khắng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện chúng ta đang chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa; tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực có những diễn biến, phức tạp, khó lường, hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, thù địch ngày càng tinh vi hơn; các vấn đề xã hội bức xúc như tham nhũng, tiêu cực, tội phạm xã hội, tai nạn giao thông…; đặc biệt là sự bùng nổ thông tin trên báo mạng, điện tử... đã và đang tác động hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng xã hội, đòi hỏi công tác công tác tuyên giáo đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn.

Nhiệm vụ cơ bản đặt ra cho ngành tuyên giáo của tỉnh trong thời gian tới là phải tiếp tục bám sát thực tế cuộc sống, đổi mới sâu sắc, toàn diện phương thức, nội dung hoạt động, tiếp tục “nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị”. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học... xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền của Đảng” có vai trò vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò công tác tuyên giáo, trong nhiều năm qua, cấp ủy đảng các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cho cấp uỷ đảng có các biện pháp hữu hiệu để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ và cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ vậy,  đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp trong tỉnh luôn vững vàng về lập trường tư tưởng, trong sạch về đạo đức lối sống; trình độ, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Hiện nay, hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến huyện có 70 cán bộ chuyên trách; có 892 cán bộ tuyên giáo kiêm nhiệm ở cấp xã; 32 cán bộ, giảng viên Trung tâm BDCT huyện, thị, thành phố; 375 báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện; 1.147 tuyên truyền viên ở cơ sở. Trình độ chuyên môn: Cao đẳng, Đại học chiếm 90,2%; thạc sỹ chiếm hơn 9,7%; về trình độ chính trị: Cao cấp, cử nhân chiếm hơn 58,4%, trung cấp chiếm   27,2%. Đa số cán bộ chủ chốt làm công tác tuyên giáo các cấp là những cán bộ đã kinh qua công tác tuyên giáo nhiều năm, được đào tạo cơ bản về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong nhiệm kỳ qua, đã có hàng chục cán bộ tuyên giáo trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và tương đương. Đây là những con số khẳng định sự phát triển, trưởng thành của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp của tỉnh nhà.

Nhìn chung, tình hình bộ máy tổ chức của ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh ngày càng được xây dựng theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt nhiệm vụ tuyên giáo trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức được bổ sung qua các năm và từng bước được ổn định. Đặc biệt, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề và những kinh nghiệm từ thực tiễn, lực lượng cán bộ làm công tác Tuyên giáo thành phố luôn luôn xứng đáng với sự tin tưởng của cấp ủy đảng các cấp và sự tin yêu của nhân dân.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế nổi lên như: về trình độ chuyên môn, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo các cấp được đào tạo bài bản về chuyên môn của ngành Tuyên giáo hay xây dựng Đảng chưa nhiều; xét về năng lực vẫn còn một số cán bộ chưa nắm hết yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo; năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; khả năng tổng hợp, phân tích, dự báo và tham mưu giải quyết vấn đề chưa chuyên nghiệp, thiếu nhanh nhạy. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thuyết trình còn yếu, thiếu thuyết phục; khả năng đấu tranh chống những tư tưởng, quan điểm sai trái còn hạn chế và thiếu sắc bén, sức chiến đấu chưa cao. Nhiều cán bộ tuyên giáo còn yếu trong lĩnh vực ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn…Vấn đề chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác Tuyên giáo cơ sở chưa thật sự thỏa đáng, chưa tạo được động lực để cán bộ an tâm công tác.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Tuyên giáo trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đồi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo bảo đảm các tiêu chí về phẩm chất, năng lực cơ bản, đó là:

Thứ nhất, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính tri, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có sự hội tụ giữa cái "tâm" say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc và cái "tầm" của tri thức khoa học. Cái tâm của mỗi cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; là bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ của cơ chế thị trường; trong sáng, lành mạnh trong lối sống. Cái tầm lại thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn khoa học; thể hiện sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; sự thông thạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công việc một cách hiệu quả; có nhãn quan dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội.

Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải có lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp. Đây là động lực khơi nguồn sáng tạo trong công việc của cá nhân, thúc đẩy mạnh mẽ việc trau dồi tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ để mang tiếng nói của Đảng đến với nhân dân, định hướng thông tin, dư luận xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.

Thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải “đắm mình” vào thực tiễn, gần gũi với nhân dân mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh; phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị, gắn bó với cuộc sống của người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, bức xúc; định hướng tư tưởng, tạo niềm tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân.

Thứ tư,  cán bộ tuyên giáo cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học. Có phương pháp, tác phong làm việc khoa học để đáp ứng được các yêu cầu đó là: Phải luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở để giải thích cho quần chúng nhân dân; luôn phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, nói cho quần chúng biết rõ sự thật và hướng họ hành đúng; không "tô hồng", không "bôi đen" sự vật, hiện tượng; tiến hành các hoạt động tư tưởng bài bản, chặt chẽ, có nghiên cứu đối tượng, có sự vận dụng tích hợp những thành tựu mới của khoa học tâm lý, khoa học sư phạm, tổng kết kinh nghiệm công tác tuyên giáo của Đảng ta, tạo một cơ sở khoa học vững chắc cho công tác tuyên giáo.

Thứ năm, Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tục kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo các cấp, đảm bảo vừa đủ số lượng và tinh về chất lượng. Đồng thời, quan tâm tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác tuyên giáo. Có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, có khả năng phát triển lâu dài bằng nghề nghiệp, đồng thời, tạo nguồn cho cán bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Từ Quang Hóa

1378 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 952
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 952
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76659028