Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Đình Tăng)
Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Ban Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang là vấn đề cấp bách đặt ra trong toàn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh đến tình trạng suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cộng với tình hình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và nhất là nạn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang đe dọa chế độ, đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, hiện bộ máy các cấp đang có sự chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, mức chi tiêu thường xuyên từ ngân sách cho nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước các cấp đã lên tới 65%. Vì mức chi quá lớn này cho con người đã kéo theo mức chi cho đầu tư ngày càng giảm (giảm đến 10% trong 10 năm qua).
Trung ương đã đánh giá, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, không những biên chế không giảm mà lại tăng lên. Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm. Vì thế, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Trung ương đã ban hành Nghị quyết về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; qua đó, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị thời gian tới. Có tinh giản được biên chế, chúng ta mới giảm mức chi cho con người để tăng đầu tư cho phát triển được.
Qua tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học về công tác này.
Trên cơ sở thực tế, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém đã rút ra, vừa qua, thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; đồng thời thành lập Tổ biên tập, phân công nhiệm vụ ,ban hành kế hoạch và triển khai các công việc tổng kết, nghiên cứu, khảo sát xây dựng Đề án.
Để lấy ý kiến của lãnh đạo cấp ủy các cấp, lần này, Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Hội nghị tại cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đồng chí bí thư các cấp ủy, đặc biệt là các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước.
Tại Hội nghị này, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đồng chí bí thư các tỉnh ủy, thành ủy tại miền Trung - Tây Nguyên tập trung đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sát yêu cầu thực tiễn vào Đề án; làm cơ sở để Trung ương căn cứ, xem xét, ban hành Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đề án tới đây của Trung ương phải sửa được những bất cập, hạn chế hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Đình Tăng)
Tại Hội nghị, các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên đã đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết của việc xây dựng Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Các đại biểu cũng đánh giá cao Đề cương Đề án được Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 7 chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, toàn diện, đề xuất được nhiều nội dung mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.
Theo nhiều đại biểu, Đề án cũng đã tổng hợp đầy đủ các đánh giá từ việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), nhất là những ưu điểm, tồn tại, hạn chế; chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, bất cập và yếu kém; nguyên nhân của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng chạy chức, chạy quyền hiện nay.
Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều giải pháp về công tác cán bộ sắp tới nhằm đảm bảo để cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.
Đình Tăng