Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu trong mọi giai đoạn cách mạng 

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một trong những Nghị quyết rất quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong tình hình hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương phải ban hành Nghị quyết mới về công tác cán bộ bởi những lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng và sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người còn nói:“Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Thực tế cho thấy: Trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị lại khác nhau là do chất lượng đội ngũ cán bộ khác nhau, trước hết là người đứng đầu.

Thứ hai, sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với trình độ cao hơn, nhiệm vụ khó khăn hơn và tính chất ngày càng phức tạp hơn. Yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước là chúng ta phải tập trung xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN; giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nền kinh tế số, kinh tế tri thức và sự biến đổi khí hậu; sự tác động thường xuyên, mạnh mẽ, nhiều chiều từ mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội...Hơn nữa, chúng ta phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;  giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong bối cảnh khu vực và thế giới luôn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. thực tiễn đó luôn đặt ra những vấn đề mới, khó và phức tạp, yêu cầu Đảng ta phải xử lý, giải quyết một cách khoa học, hiệu quả cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy, đòi đòi hỏi Đảng ta phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác phải biết thích ứng nhanh và xử lý có hiệu quả những tác động tiêu cực phát sinh.

Thứ ba, qua 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp đã trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay Chiến lược cán bộ có một số nội dung không còn phù hợp, cần được điều chỉnh, bổ sung và phát triển để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm và bất cập, trong đó có những khuyết điểm, yếu kém kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, đổi mới.

 Thứ tư, sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta đang đứng trước sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, từ lớp cán bộ được rèn luyện, thử thách trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa; sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, ở nhiều nước có các thể chế chính trị khác nhau. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách trong xây dựng đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự trao truyền lý tưởng, niềm tin, khát vọng của lớp thế hệ cha anh đối với lớp con, em kế tục, cũng như khả năng đón nhận, kế thừa và phát triển của thế hệ trẻ, bảo đảm tính tiếp nối liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ và sự phát triển không ngừng của sự nghiệp cách mạng.

Thứ năm, thành tựu đã đạt được sau 30 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, là niềm động viên, khích lệ, tạo sức mạnh lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân ta, nhưng chúng ta không chủ quan, thỏa mãn, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước ta bằng Chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn; chúng lợi dụng triệt để những hạn chế, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước ta nói chung và về công tác cán bộ nói riêng để xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta gây hoang mang, hoài nghi, phân tâm nhằm chia rẽ nội bộ, tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Vì vậy, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thắng không kiêu, bại không nản; phải biết chủ động tấn công, tích cực phòng ngừa, không được thỏa mản với thành tựu mà lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Cần phải tỉnh táo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định và hành động quyết liệt, nhưng phải thật sự khôn khéo.

Như vậy, trong tình hình, bối cảnh nêu trên và để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo sự thống nhất, đồng bộ với thực hiện các nghị quyết 4, 5, 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, việc ban hành Nghị quyết “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài của công tác xây dựng Đảng trong những năm tới.

Kế thừa và phát huy các Nghị quyết trước đây về công tác cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét, thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.  Nghị quyết có nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về công tác cán bộ, trong đó đáng chú ý có những nội dung như sau:

- Đánh giá cán bộ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ: Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ. Quy trình đánh giá được đổi mới theo hướng hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, so sánh với chức danh tương đương và công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cán bộ quy hoạch vào các chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, tin học, ngoại ngữ theo chương trình chuyên biệt. Những người này cũng được định kỳ bổ sung, cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng, luân chuyển để giữ chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn và những nơi đang hoặc sẽ triển khai mô hình mới phù hợp với chức danh quy hoạch.

Việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển.

- Người trẻ có tài được ưu tiên vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp: Nghị quyết nêu rõ: xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược. Trong đó, đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.

- Mở rộng thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; tiến tới xóa bỏ biên chế suốt đời: Theo Nghị quyết, có cơ chế để phát hiện những cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ. Tiếp tục thực hiện thí điểm một số chủ trương như: Mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng; Giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết yêu cầu thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”.

- Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết không để lọt người chạy chức, chạy quyền: Vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Nghị quyết đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng thể chế, cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”, “Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền”. Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự sẽ được công khai và minh bạch; các thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng về công tác cán bộ sẽ được xác minh và xử lý kịp thời.

- Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch Ủy ban nhân dân, nếu có điều kiện. Từ Quang Hóa

1061 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 714
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 714
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76741892