|
Cao tốc La Sơn-Tuý Loan là 1 trong những tuyến đường đầu tư bằng Ngân sách Nhà nước được đề xuất thu phí. Ảnh: VGP/PT. |
Chỉ thu phí với tuyến đường người dân được lựa chọn
Bộ GTVT giao Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu nội dung đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, căn cứ quy định pháp luật hiện hành và nhu cầu thực tiễn để phân tích, đánh giá và có ý kiến giải trình các nội dung đề xuất của Bộ Tài chính.
Viện Chiến lược chủ trì, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp xây dựng đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đặc biệt là một số dự án có yêu cầu cấp bách như: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến La Sơn - Túy Loan và 6 dự án thành phần đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông; đề xuất với Bộ GTVT phương án triển khai thực hiện.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA) 7, Ban Thăng Long và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp hồ sơ dự án và chỉ đạo các đơn vị tư vấn dự án trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu về các dự án theo yêu cầu của Viện Chiến lược; chỉ đạo các đơn vị tư vấn báo cáo bổ sung trong trường hợp thông tin dữ liệu dự án chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Viện Chiến lược.
Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc.
Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Trước đó, tại Thông báo số 275, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương là hết sức cần thiết và yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ GTVT khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1100/VPCP-CN ngày 23/4/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/8/2020, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Thông báo số 1100, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
|
Chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn. Ảnh: VGP/PT |
Không lãng phí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Tại Đề án gửi Bộ Tài chính vào ngày 12/8, Bộ GTVT cho biết, trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay, chỉ có tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 31/12/2018. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã tạm dừng thu phí.
Sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được (khoảng 52,8 tỷ đồng, với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/PCU, tăng trưởng doanh thu 10%/năm, dự báo trên cơ sở số thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương giai đoạn 2014-2018).
Như vậy, giá trị dự kiến còn lại nộp ngân sách nhà nước tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 40 km là 827,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 20,6 tỷ đồng/km đường cao tốc/năm.
Về nguyên tắc thu phí các tuyến đường Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT lấy dẫn chứng, với cao tốc TPHCM - Trung Lương, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn tham gia giao thông trên đường song hành là Quốc lộ 1 (không phải trả phí sử dụng đường cao tốc) hoặc trả thêm phí sử dụng đường cao tốc để tham gia giao thông trên đường cao tốc, hưởng dịch vụ sử dụng đường bộ chất lượng cao hơn. Vì thế, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí không bị trùng với phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện.
Tương tự, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (64 km) và tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (40 km), hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.
Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn. Cụ thể, nếu thực hiện thu phí trên các tuyến Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (43 km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (24 km), La Sơn - Túy Loan (66 km), Cam Lộ - La Sơn (102 km), dự kiến hằng năm thu thêm được tổng số 4.841 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến TPHCM - Trung Lương, cũng như mất nguồn thu đóng góp ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, hiện số tiền phí sử dụng đường bộ thu được hằng năm khoảng 9.000 tỷ đồng và ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý; không có kinh phí cho đầu tư xây dựng mới đường bộ.
“Với định mức bảo trì rất cao, việc bảo trì 123 km cao tốc miễn phí (thời điểm tháng 9/2019) và khoảng 200 km (sau khi tuyến La Sơn - Túy Loan đưa vào khai thác cuối năm 2020) đang là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.
Phan Trang