Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại hội thảo


Đồng chí Hoàng Thị Hạnh – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và đồng chí Nguyễn Thanh Dương – Phó Chủ tịch UBND Lào Cai đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc và Bắc miền Trung và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Vùng dân tộc thiểu số, miền núi nước ta có 5.266 xã, trong đó có 1.957 xã khu vực vùng III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có 291 xã, bãi ngang và hải đảo vào diện đầu tư đặc biệt khó khăn. Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vai trò quan trọng.

Đề án nêu rõ sự cần thiết ban hành, căn cứ xây dựng đề án; thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đề án được xây dựng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh giảm nghèo; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của các DTTS; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng. Nội dung Đề án tập trung về chính sách đầu tư ở 3 lĩnh vực lớn là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đặc biệt đổi mới mạnh trong việc phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổng hợp toàn bộ chính sách lại thành 11 nghị định của Chính phủ; phân bổ vốn; thành lập Ban chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Đề án cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thực hiện; những kiến nghị đề xuất.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, góp ý kiến với nhiều nội dung quan trọng trong Đề án như: Giáo dục, việc làm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cần làm rõ vai trò của Ủy Ban Dân tộc trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương (từ tỉnh đến huyện, xã). Tính toán để cơ cấu nguồn lực đầu tư, đảm bảo tính khả thi. Tập chung tích hợp chính sách, giảm đầu mối để việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng giao Vụ Hợp tác quốc tế, Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án./.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Hồng Minh