Xây dựng công nghiệp IoT: Cuộc cách mạng chính sách 

(Chinhphu.vn) - “Việt Nam sẽ sớm định danh và công nhận các mô hình kinh doanh mới, ban hành khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát đối với một số lĩnh vực, sản phẩm, mô hình kinh doanh ấy” - khẳng định của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội thảo về Smart IoT (Internet vạn vật) Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại TPHCM.

 

Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan Triển lãm - Ảnh: TTXVN

Thực tế ứng dụng và tiềm năng phát triển công nghiệp IoT

Nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có nghĩa nói tới các nền tảng công nghệ như: Dữ liệu lớn (Big Data), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT, mạng 5G, thời gian thực… Theo đó, vai trò hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong thời đại 4.0 cũng mở rộng hơn so với trước đây, tức là không chỉ phát triển sản phẩm, dịch vụ và cung cấp qua môi trường mạng mà còn giúp phát triển các sản phẩm kỹ thuật số, tạo bình đẳng xã hội giữa các vùng miền, mở rộng thị trường khi xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội cho cạnh tranh và đổi mới sáng tạo…

Tại Việt Nam, thực ra các ứng dụng “gần” với IoT đã được nghiên cứu và hiện thực hóa trong những năm qua ở nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, dưới các hình thức tự động hóa có hệ thống đèn giao thông, hệ thống tưới nước tự động…; dưới các công nghệ nền tảng của IoT có mạng thế hệ mới, truyền dẫn không dây, công nghệ nano, cảm biến, lưu trữ và điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, bảo mật thông tin, lưu trữ năng lượng…

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu xem dữ liệu là dầu mỏ thì IoT là các mỏ dầu có trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. Phát triển IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng có nhiều dầu mỏ bấy nhiêu. Nếu xem mỗi cảm biến (sensor) là một mỏ dầu thì giá thành đầu tư sẽ là rất nhỏ so với giá trị cảm biến đó có thể mang lại. Nghĩa là khai thác dữ liệu càng nhiều bao nhiêu thì giá thành đầu tư cho IoT càng rẻ bấy nhiêu.

Cùng với “cặp bài trùng” AI và Big Data, IoT là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo. Khi đó, toàn bộ quá trình sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới gồm thiết kế, tạo sản phẩm mẫu, thử nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo. Điều này không chỉ nhanh hơn mà còn đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với thực hiện trong thế giới thực. “Chi phí để có một sáng tạo sẽ nhỏ tới mức từng cá nhân có thể tự sáng tạo ra sản phẩm mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích thêm.

Xã hội Việt Nam chưa ảo hóa nhiều như các nước phát triển - đó là bất lợi của người chậm hơn một nhịp. Tuy nhiên, những nền kinh tế đã ảo hóa trước đây lại được xây dựng trên nền tảng công nghệ cũ, không dễ “đập đi xây lại” trong ngày một ngày hai vì đã đầu tư quá lớn. Trong khi đó, công nghiệp IoT có thể chỉ cần đầu tư nhỏ và cũng dễ triển khai hơn - ở đây Việt Nam lại có lợi thế của người đi sau khi không “vướng bận” gì trên con đường tiến thẳng vào ngành công nghiệp này.

IoT: Thách thức chính sách và một số khía cạnh xã hội

Nền công nghiệp IoT với rất nhiều viễn cảnh tươi đẹp dù vậy không dễ dàng để xây dựng. Những tranh cãi chưa có hồi kết gần đây giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và hiện đại là một ví dụ điển hình về những “chông gai” đầu tiên của cuộc cách mạng 4.0.

Do đó, theo vị “tư lệnh” ngành thông tin và truyền thông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ. Bởi bước đầu tiên là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới như fintech, edutech, agritech… Nghĩa là phải chấp nhận nhiều loại sáng tạo mang tính “phá hủy” cái cũ. “Khi chấp nhận cái mới thì Việt Nam sẽ mất một số thứ, nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất”, người quản lý cao nhất của Bộ TT&TT nêu nhận định đồng thời tin rằng cách làm chính sách theo kiểu truyền thống - quản được thì mở, quản tới đâu thì mở tới đó, không quản được thì đóng - đã không còn phù hợp. Thay vào đó, nhiều nền kinh tế đang nghiêng theo xu hướng “cái gì không biết quản thế nào thì… không quản, cho tự phát triển trong một không gian, thời gian nhất định để các vấn đề tự bộc lộ bản chất một cách rõ ràng, sau đó mới định ra chính sách phù hợp”.

Ủng hộ quan điểm này, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình cho rằng triển khai nền công nghiệp IoT thành công về mặt kỹ thuật có thể mới chỉ giải quyết được 10% thách thức của cuộc cách mạng 4. “Bởi vậy, cần xem IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ”.

Cũng theo lãnh đạo Ban Kinh tế TƯ, định hướng chung của Việt Nam ở bình diện quốc gia là IoT phải thúc đẩy, nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, thể hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng một xã hội công minh. Cụ thể, Việt Nam sẽ sớm triển khai đề án phát triển kinh tế số quốc gia, với các chiến lược chuyển đổi số cho những ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng. Đồng thời, cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất khác với ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa. Về thể chế, Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số và đổi mới sáng tạo. “Việt Nam sẽ sớm định danh và công nhận các mô hình kinh doanh mới, ban hành khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát đối với một số lĩnh vực, sản phẩm, mô hình kinh doanh ấy”, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Ở một góc nhìn khác của nhà quản lý ngành thông tin truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng IoT còn mang tới rủi ro lớn hơn về an toàn, an ninh mạng. Vì vậy, phát triển nền công nghiệp IoT không thể tách rời phát triển lĩnh vực công nghiệp an ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh thì liệt kê hàng loạt thách thức phải nghiên cứu. Từ các vấn đề kỹ thuật như khả năng tương tác và mở rộng kết nối hàng tỷ thiết bị không thống nhất, câu chuyện thiết kế, quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng đa quốc gia, vấn đề về tiêu hao năng lượng khi quản lý và xử lý dữ liệu lớn đến bài toán tích hợp IoT vào các lĩnh vực như xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp... “IoT cũng đặt ra hàng loạt thách thức đối với DN và xã hội như tính pháp lý của các mô hình kinh doanh mới, tính đạo đức hay quyền riêng tư khi thu thập dữ liệu”.

Và một câu hỏi lớn khác là liệu các quốc gia có nền tảng công nghệ ở mức thấp như Việt Nam có thể “đốt cháy giai đoạn”, tiến thẳng vào ngành công nghiệp IoT được không?

Trưởng Ban Kinh tế TƯ đã khẳng định nếu nhìn vào lĩnh vực sản xuất, năng lượng, giao thông thì không cần phải lo lắng vì hạ tầng cũ. Thay vào đó, trước hết cần xử lý các mâu thuẫn chồng chéo, những rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học theo hướng chấp nhận có rủi ro và độ trễ trong khoa học…”Nhà nước muốn tạo ra hệ sinh thái IoT với các chính sách để DN Việt Nam có thể tự xây dựng được các nền tảng IoT cốt lõi của quốc gia chứ không phải đơn thuần kêu gọi mua ứng dụng công nghệ IoT về dùng”.

Như vậy, cùng với dự kiến Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết để định hướng bộ khung xây dựng và thực thi chính sách cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời điểm “đèn xanh” để hình thành bộ khung thống nhất cho nền công nghiệp IoT thực sự đang tới rất gần.

Phương Hiền

383 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 668
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 668
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87211642