Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành về giám sát chuyên đề với các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Đại biểu Quốc hội chất vấn về mua bảo hiểm xe cơ giới
Nêu ý kiến chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), đặt câu hỏi về việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy có mang lại lợi ích thiết thực cho người dân?
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ôtô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, lên tới 2.300 tỷ đồng.
Theo ông Phớc, người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu đồng, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu đồng: "Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy".
Bộ trưởng cũng cho biết, để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn: "Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có tư liệu ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm".
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn bất cập và chậm.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi về giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao. Đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ, cử tri ghi nhận việc thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư lãng phí được chỉ ra tại Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội cũng chưa rõ lộ trình, tiến độ. Các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia dù giải ngân có tiến triển nhưng chậm và chưa bền vững, chuyển nguồn còn lớn dẫn tới tiếp tục lãng phí nguồn lực quốc gia.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm cũng như nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh về công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn về tài sản công.
Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Với chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh về chi thường xuyên và chậm thực hiện Nghị quyết 74, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các bộ ngành. Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện cho các năm tiếp theo. Do liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp và phải lấy ý kiến của nhiều nơi cho nên cũng có phần chậm so với quy định. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản.
Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công, từ đó quản lý hiệu quả hơn.
Hải Liên