Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu 

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu.

Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh, gồm: 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Bộ NN&PTNT cũng đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu hơn 430 triệu USD. Đặc biệt các sản phẩm thịt gà chế biến chín đã được xuất khẩu sang 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (bao gồm: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Liên bang Nga và 5 nước Liên minh Á Âu); trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.500 tấn.

Xây dựng vùng an toàn thú y phục vụ xuất khẩu - Ảnh 2.

Hiện nay cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và nhiều nghị quyết có nội dung liên quan đến xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; 5 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi,… Tại các văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.

Đỗ Hương

265 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 473
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 474
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77454183