Hiện nay, phần lớn các nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về an toàn thực phẩm trên thị trường thương mại tự do và hội nhập quốc tế; trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng được năng lực dựa trên tiếp cận rủi ro và kết quả thực hiện đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đây là thông tin được cho biết tại “Hội thảo tiêu chuẩn chất lượng để hội nhập thị trường thế giới”, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, chiều ngày 3/4.
Xây dựng chuỗi quản lý an toàn thực phẩm: Hướng đến truy xuất nguồn gốc.
Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
*Quản lý thực phẩm theo chuỗi
Vấn đề “thực phẩm sạch và an toàn” hiện là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng và những vấn đề nổi cộm gần đây là “niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt” có phần bị lung lay. Nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính, đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn, bởi nạn hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại và đặc biệt quan tâm các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khoẻ. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thuỷ sản… nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế, vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính yếu là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Ðây là một trong những yếu điểm cần được cộng đồng doanh nghiệp Việt quan tâm cải thiện, khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, thống kê sản xuất nông nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu thực phẩm của thị trường, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Đơn cử như rau củ, quả sản xuất tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu người dân; động vật sống 10%; thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản 15% - 20%... Chính vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đã và đang là nhu cầu cấp thiết không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà hướng đến xây dựng hàng hóa đạt tiêu chuẩn hội nhập để tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Một số chuyên gia khác nhấn mạnh, Việt Nam có thị trường tiêu dùng nội địa khoảng 95 triệu người tiêu dùng, với những chính sách định hướng xuất khẩu, tập trung vào năng lực cạnh tranh và chất lượng an toàn thực phẩm; trong đó, thị trường chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản phát triển nhanh, tập trung vào xuất khẩu các ngành hàng thế mạnh như gia cầm, cá, tôm… Ngoài ra, Việt Nam đã và đang nổi lên là nhà sản xuất hàng đầu về nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm… nên cần có giải pháp tăng cường thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tham gia những tiêu chuẩn G.A.P. Đặc biệt, hiện nay xu hướng không đánh giá, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm ở khâu cuối cùng hay thành phẩm, mà chuyển dần sang chú trọng kiểm soát, tuân thủ quy định an toàn trong quá trình sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp cần làm thế nào và chứng minh quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm mới là vấn đề phải chú trọng.
*Hướng đến truy xuất nguồn gốc
Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để hội nhập thị trường thế giới, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại Tp. Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, là coi trọng sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tính đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng; đặc biệt là trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh từ công đoạn sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, phân phối… nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân thành phố. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm tham gia chuỗi còn ít, người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đã cấp 183 Giấy chứng nhận cho 94 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận… với tổng sản lượng gần 103.139 tấn rau, củ, quả, trái cây/năm, trứng gà trên 489.267.700 quả/năm và 0,8 triệu lít nước mắm/năm…
Trong thời gian qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết và phối hợp với các tỉnh ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh đưa sản phẩm về tiêu thụ tại thành phố. Qua đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng phối hợp các tỉnh, thành để giám sát trên 70% nguồn sản phẩm từ các tỉnh, thành đưa về tiêu thụ tại thành phố, góp phần nâng cao công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, khuôn khổ pháp lý và pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng về quản lý an toàn thực phẩm, nhưng việc kiểm tra, giám sát và hậu kiểm chưa hiệu quả. Đồng thời, do hạn chế về nguồn lực kiểm soát của cơ quan chức năng cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực phẩm còn lỏng lẻo, đã dẫn đến tình trạng kinh doanh và sử dụng hóa chất cấm.
Để hỗ trợ và trang bị hành trang cho doanh nghiệp Việt từng bước mở cửa thị trường thương mại tự do và hội nhập quốc tế, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã triển khai Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập (GIS) từ năm 2017. Bên cạnh các quy định, tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước đã có trong luật, GIS được đánh giá là công cụ cần thiết cho doanh nghiệp Việt tiếp cận các thị trường xuất khẩu bằng tiêu chuẩn chất lượng trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia tăng cường thực hiện rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch thương mại.
Tính đến nay, GIS đã chứng nhận cho 66 doanh nghiệp và đang tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đáp ứng Bộ tiêu chí này./.
Mỹ Phương/TTXVN