Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi sự chung tay của các hiệp hội ngành hàng thủy sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau thống nhất quan điểm xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để phát huy hơn nữa lợi thế của ngành thủy sản cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển đề xuất: "Cần xây dựng liên kết các nhà. Nhà nước quản lý quy hoạch vùng nuôi đầu tư hạ tầng. Các nhà khoa học nghiên cứu thực tế đưa ra sản phẩm khoa học chất lượng. Trên cơ sở này ngân hàng đầu tư tín dụng, bảo hiểm cho các đối tượng thủy sản chủ lực. Bên cạnh đó doanh nghiệp cung cấp đầu vào cũng đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành. Cùng với đó nông dân cũng có cơ hội tiếp cận khoa học, tiếp cận được nguồn vốn, rút ngắn được khâu trung gian, qua đó cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu".
Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh nêu ý kiến: "Chúng tôi có doanh nghiệp nuôi biển, có các hộ nuôi biển, nhưng đầu ra rất cần đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Về lâu dài, ngành thủy sản muốn phát triển lên tầm cao mới thì cần phải trở thành chỉnh thể thống nhất. Chúng tôi đề xuất các hiệp hội ngành hàng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường liên kết, xem xét hình thành liên đoàn thủy sản Việt Nam, hay liên hiệp hội thủy sản Việt Nam. Làm được như thế sẽ phân rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân".
Tại hội thảo cũng có một số ý kiến cho rằng, hầu hết các ngành hàng đều có hiệp hội và một số hiệp hội đã phát huy tác dụng tốt trong việc đề xuất với Chính phủ về chính sách phát triển của ngành hàng. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng cần nâng cao năng lực nhận thức cho các thành viên tham gia về lợi ích tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh.
Ông Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, Hội nghề cá trước tiên là phục vụ ngành thủy sản, phục vụ người dân rộng hơn nữa là quan tâm đến vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường…, đồng thời kiến nghị: "Cần có cam kết cụ thể để thúc đẩy hợp tác. Hội và các hiệp hội mong muốn các bên trong chuỗi trị ngồi lại với nhau để cam kết hợp tác trong 5 năm tới. Việc phối hợp có thể ký cam kết với Tổng cục Thủy sản, hoặc với từng lĩnh vực ngành hàng thủy sản, qua đó phân công trách nhiệm, cam kết để có những hành động cụ thể, yêu cầu cụ thể và có những sản phẩm cụ thể và định kỳ đánh giá kết quả. Qua đó sẽ huy động nguồn lực thực hiện và Bộ NN&PTNT cũng có thể giám sát việc thực hiện".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc phối hợp giữa các hội và hiệp hội với Bộ NN&PTNT là rất quan trọng, không chỉ huy động nguồn lực, mà còn giải quyết những khó khăn, cũng như phát huy tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Ngoài quản lý nhà nước thì các hiệp hội phải vào cuộc, và quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản phải là các doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải đồng hành và gắn với các doanh nghiệp trong từng ngành".
Đỗ Hương