Xây dựng chính sách để phát triển kinh tế chia sẻ hiệu quả  

(Chinhphu.vn) – Kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia trong cung cấp dịch vụ. Do đó, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 12/7.  
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho mô hình kinh tế chia sẻ có nhiều bước đột phá tại môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Tuy vậy, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia trong cung cấp dịch vụ. Những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế cũng như người tiêu dùng cũng đã xuất hiện.
Cơ quan quản lý còn ít nhiều lúng túng trong xác định bản chất cũng như cách thức quản lý mô hình mang tính chất kinh tế chia sẻ. Hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư, thuế hiện khó hoặc không thể can thiệp và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình đối với sản phẩm của kinh tế chia sẻ.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng chính sách, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tác động của những xu thế lớn về công nghệ số đối với nền kinh tế nói chung và đối với mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ nói riêng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc đánh giá xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ giúp nâng cao nhận thức của xã hội về các hoạt động kinh tế này, giúp Chính phủ có những thông tin cần thiết để thiết kế một chiến lược thích ứng tốt và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Còn Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Rebecca Bryant nhận định: Việt Nam đang có cơ hội thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng kinh tế chia sẻ. Chính phủ Australia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý mô hình kinh tế chia sẻ để giúp Việt Nam theo kịp với xu thế phát triển của thế giới, tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ để phát triển nền kinh tế.
Trước mắt, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ Liên bang Australia (CSIRO) đã triển khai dự án đầu tiên được tài trợ theo chương trình Aus4Innovation, dự án “Kinh tế kỹ thuật số tương lai Việt Nam”.
“Việc này nhằm mục đích kiểm tra các tác động của công nghệ kỹ thuật số trong việc làm, giáo dục, đào tạo, tăng trưởng ngành trong nền kinh tế Việt Nam”, bà Rebecca Bryant nói.
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra thông tin, qua khảo sát cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Viện phó CIEM cho rằng, có sự phát triển nhanh chóng thời gian qua như dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab…) đang được thí điểm tại một số thành phố lớn, dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO, Triip.me), dịch vụ lao động, việc làm, dịch vụ tài chính…
Trên thế giới, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 (theo Pwc, UK), và dự báo sẽ đạt đến 335 tỷ USD vào năm 2025 - tăng gấp 22 lần trong vòng 10 năm.
Kinh tế chia sẻ đã tạo ra những cơ hội cho Việt Nam như tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0; thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập; tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa…
Đáng chú ý, kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam và Australia cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với một số cơ quan chức năng quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

          Anh Minh
553 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 525
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 525
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87023553