Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính ngành nông nghiệp 

(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ nhằm đánh quá kết quả triển khai và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Ở Việt Nam, yêu cầu cải cách hành chính càng làm vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trở nên cấp thiết. Vì vậy, đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT để hướng tới một nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Chính vì thế, Bộ NN&PTNT xác định quan điểm xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong phát triển CPĐT tại Bộ.

Tính từ đầu năm đến ngày 31/10/2018, kết quả tiếp nhận xử lý, giải quyết hồ sơ cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 239.671 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 216.375 hồ sơ; đang tiếp tục xử lý 23.296 hồ sơ.

Chỉ tính 10 tháng năm 2018, số lượng hồ sơ điện tử các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia nhiều hơn cả năm 2017 là 17.979 hồ sơ (tăng 8,1%). Mặc dù tiếp nhận số lượng hồ sơ tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng việc xử lý, giải quyết cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử vẫn được đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y vùng II, Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài…đạt trên 98% hồ sơ cấp phép điện tử.

Bên cạnh đó, theo số liệu chính thức tại Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 2/5/2018 tại Hà Nội, thì Bộ NN&PTNT có sự bứt phá trên bảng xếp hạng, từ vị trí 13 lên số 7 (82,4 điểm) trong tổng số 19 bộ và cơ quan ngang bộ.

95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử

Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ là việc khó, không thể một lúc có thể làm ngay mọi thứ. Vì vậy, trong năm 2018, Bộ NN&PTNT xác định phải có lộ trình thực hiện và trong mỗi thời điểm, thời gian phải chọn ra việc cụ thể để làm, trong đó có 3 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, Bộ NN&PTNT có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP, sửa và giảm 131/170 điều kiện; số điều kiện còn lại sửa và giảm trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) và các Nghị định tới đây ban hành của 2 Luật này tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.

Thứ hai, giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuất, nhập khẩu. Đầu năm 2017, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS (hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT.

Thứ ba, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị của Bộ. Theo kế hoạch năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành triển khai 10 thủ tục hành chính mới. Như vậy, với việc triển khai 28 thủ tục hành chính qua Cổng một cửa quốc gia thì có tới 95% các hồ sơ xuất, nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc, trong năm 2018, yêu cầu ngành nông nghiệp không nợ nhiệm vụ gì về văn bản quy phạm pháp luật và những nhiệm vụ do Thủ tướng, Chính phủ giao. Cuối năm nay, tổ công tác của Chính phủ sẽ quay lại kiểm tra toàn bộ công tác cải cách của Bộ. Do vậy, các đơn vị trong Bộ cần quyết liệt hơn, cố gắng hơn trong công tác cải cách hành chính.

Về các nhiệm vụ tiếp theo của công tác cải cách hành chính, Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch triển khai cơ chế một cửa quốc gia của Bộ năm 2018 và nhiệm vụ kế hoạch Ủy ban 1899 giao. Bộ đã giao Cục Thú y xây dựng dự án triển khai các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia năm 2019-2020.

Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện, ban hành Quy chế thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT. Tiếp tục phối hợp với cơ quan thường trực Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các bộ ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các cảng biển, cảng hàng không, các cửa khẩu theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban 1899./.

BT

429 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 548
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 548
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232181