Xây dựng Chính phủ điện tử: ‘Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất’ 

(Chinhphu.vn) – Chúng ta cần nghĩ lớn, bắt đầu từ những thứ nhỏ và cụ thể nhất nhưng phải làm nhanh. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã đến lúc phải "mần" ngay.

Nội dung trao đổi cũng như thông điệp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) gửi đến phiên thảo luận chuyên đề “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 tổ chức sáng nay (18/7) tại Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao từ các diễn giả, cũng như đông đảo doanh nghiệp, khách mời tham dự.

5 ưu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử

Trao đổi với các diễn giả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập với sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, một Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới nền quản trị thông minh trên cơ sở chủ động xây dựng cơ chế, chính sách.

Chính phủ điện tử chính là sự cụ thể hóa tinh thần đó. Với tinh thần triển khai mạnh mẽ, thời gian qua, VPCP đã tổ chức một số đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử ở Estonia, Cộng hoà Pháp, Hàn Quốc, Malaysia; qua đó, đã báo cáo cũng như đề xuất giải pháp, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025.

“Thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là “nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”. Như vậy là cần xây dựng chiến lược, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phù hợp với lộ trình triển khai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết 5 nhiệm vụ ưu tiên mà Chính phủ tập trung triển khai Chính phủ điện tử từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2025.

Đầu tiên, đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đây là vấn đề rất quan trọng và Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử để trình Quốc hội thông qua; đồng thời, sẽ xây dựng, bổ sung những văn bản cụ thể quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác thực điện tử, các văn bản hướng dẫn bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân…

Ưu tiên thứ 2 là vấn đề nền tảng. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nay rất cần xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm, một số hợp phần cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính (thuế, hải quan), đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp…

Ba là, xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng này phải kết nối từ cơ quan hành chính của Trung ương đến địa phương, kết nối từ VPCP, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, có thể kết nối ngang, kết nối dọc và có sự chia sẻ.

“Sự chia sẻ đấy là để cung cấp các dịch vụ công và kết nối liên thông các dịch vụ công từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Như vậy không còn khái niệm "một cửa" nữa mà chuyển sang khái niệm "chia sẻ - kết nối" giữa Chính phủ và người dân. Chúng ta phải có sự chia sẻ đó”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bốn là, phải huy động nguồn lực. Theo đó, chọn ra những vấn đề làm trước, vấn đề làm sau và huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính phủ điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn; nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để thu hút nhân lực tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

“Tinh thần là cùng chung sức, cùng chia sẻ, cùng đồng tâm thì chúng ta sẽ làm được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Năm là, Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số do Thủ tướng làm Chủ tịch Uỷ ban. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là Uỷ viên thường trực kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban; VPCP là đầu mối chủ trì tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó,  lãnh đạo Tập đoàn VNPT, Viettel và FPT cũng tham gia thành phần Uỷ ban. Điều này đã cho thấy quyết tâm chính trị cũng như sự huy động nguồn lực của cả xã hội để triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết VPCP đang thực hiện văn phòng phi giấy tờ để làm mẫu hình nhân rộng tại các cơ quan hành chính Nhà nước khi từ tháng 5/2018, toàn bộ hồ sơ, công việc tại VPCP đều được xử lý trên mạng,.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tham gia thảo luận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Chính phủ điện tử, đã đến lúc phải “mần” ngay!

Tại hội thảo chuyên đề, ông Hannes Astok, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia khuyến nghị, Việt Nam muốn thực hiện Chính phủ số khả thi, vấn đề cốt lõi chính là nguồn lực. Việt Nam cần phải chọn vấn đề thế mạnh làm trước, không thể làm cùng lúc tất cả. Từ đó, huy động nguồn lực tập trung cho vấn đề ưu tiên đó.

Theo bà Samia Melhem, Trưởng ban Phát triển số, Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền khi mà người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…

Trong thời gian vừa qua, WB đã có dịp làm việc và đi cùng với những nỗ lực ban đầu của Chính phủ Việt Nam, WB  đánh giá rất cao sự quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam, VPCP Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức, nhưng WB tin tưởng sẽ thành công và bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong toàn bộ quá trình này.

Sau khi lắng nghe những trao đổi của các diễn giả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng  nhắc lại câu ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nói với Bộ trưởng trong các cuộc làm việc về xây dựng Chính phủ điện tử, đó là: “Just do it” (Cứ làm tới đi).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ trưởng đã nói với WB và các nhân sự VPCP cùng Tổ công tác nghiên cứu về Chính phủ điện tử 2 từ thôi và cũng là thông điệp của Thủ tướng, đó là câu hành động: Mần ngay!

Chúng ta cần nghĩ lớn, bắt đầu từ những thứ nhỏ và cụ thể nhất nhưng phải làm nhanh. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã đến lúc phải "mần" ngay.

Hoàng Anh

776 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 697
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 697
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87057740