Xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động bài bản 

(Chinhphu.vn) – Ngày 25/8, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động bài bản - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" - Ảnh: VGP/HT

Nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngày 8/5/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị 16-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

Chỉ thị nhấn mạnh, mục tiêu bao trùm là: việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong 10 năm qua (2012-2022), mỗi năm cả nước đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó, lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10% số này. Mỗi năm, bình quân lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với trước khi có Chỉ thị. Nhiều tỉnh, thành phố đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết việc đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp việc xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn có tích lũy đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh và tạo việc làm, đóng góp một nguồn ngoại tệ của đất nước. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong làm việc của người lao động được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ lao động có kỹ thuật, có kỹ năng đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa quê hương đất nước.

Qua thảo luận, một số ý kiến nhận định bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW tại nhiều cấp ủy còn hình thức, chưa thiết thực; công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn chưa rộng rãi, kịp thời đến người lao động có nhu cầu...

Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài. 

Vì vậy, chất lượng lao động tuy đã được tăng lên nhưng chưa cao và đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.

Xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động bài bản - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Vì thế, giải pháp quan trọng để đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là tiếp tục nâng cao vai trò cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể và hoàn thiện hệ thống pháp luật. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng, trong đó có những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước cần phải quán triệt. 

Theo đó, cần đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại; gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế… 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh khó khăn hiện nay là thị trường lao động ngày càng hẹp dần, do đó việc bố trí hài hòa giữa thị trường trong nước và ngoài nước cần phải làm thấu đáo để phát triển thị trường vừa linh hoạt vừa bền vững và mang yếu tố hội nhập.

Để bảo đảm chất lượng Đề án cũng như thời gian trình Ban Bí thư theo đúng kế hoạch, tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; công tác quản lý, bảo hộ công dân di cư tự do sang nước láng giềng làm ăn buôn bán; phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; giảm thiểu lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới…

Anh Minh

363 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1548
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1549
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78002479