|
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chi Mai) |
Ngày 12/6/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội.
Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 là cơ hội tốt để Hiệp hội tiếp tục cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, xác định những khó khăn để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, cùng khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Tôi mong rằng qua Hội nghị này, nhiều sáng kiến sẽ được đưa ra, những nghĩ suy phải được nêu ở đây.
Theo thông tin từ Hiệp hội VASEP, cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, uất khẩu (XK) thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, XK thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị XK chính, trong đó thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.
Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý III như những dự báo trước đây.
Từ thực tế trên, Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2023 được tổ chức nhằm xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới cũng như cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai.
Hội nghị toàn thể hội viên năm nay được tổ chức đúng vào ngày thành lập Hiệp Hội, cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội với sự đồng hành của toàn thể doanh nghiệp hội viên cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù 25 năm không phải thời gian quá dài nhưng mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao, đánh dấu mốc son trưởng thành của Hiệp hội, ngày một khẳng định thêm vị thế của Hiệp hội trong lòng các Doanh nghiệp hội viên và các đối tác trên thị trường quốc tế.
Những thành tựu đạt được của Hiệp hội còn nhờ vào sự đồng lòng và ủng hộ của các thành viên Hiệp hội, sự chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp thủy sản để làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành thủy sản từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.
Đồng thời tại Hội nghị, đại diện các DN tôm, cá tra, hải sản cũng trình bày các tham luận về thực trạng, triển vọng thị trường, giải pháp phát triển bền vững ngành tôm và cá tra, những khó khăn trong khắc phục thẻ vàng IUU...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Danh dự VASEP - bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, mới đây, Ủy Ban Tôm VASEP đã khởi động chương trình “Vì một ngành Tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu Tôm. Ủy Ban Cá Nước Ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Ủy Ban Hải Sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề Thẻ Vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy tất cả đang đi cùng nhau để đi được xa hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ, "Chúng ta phát triển lớn mạnh, giữ vững vị trí trên thị trường thế giới hay không, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng Doanh nghiệp và Hiệp hội, sự tham gia của toàn chuỗi cung ứng và sản xuất là sự đồng hành, quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành chắc chắn sẽ giúp thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững."
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tin tưởng trong thời gian tới Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều hội viên là những doanh nghiệp đầu ngành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành thủy sản và quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn, VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa Doanh nghiệp và chính phủ, giữa doanh nghiệp với cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, đưa thủy sản sản Việt Nam ra các thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản. Từ nay đến cuối năm 2023 cần tập trung:
Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững.
Đồng thời, thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững. Tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật./.