Xây dựng cao tốc Bắc-Nam với nỗ lực lớn nhất, trách nhiệm cao nhất 

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/1/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các địa phương tổ chức lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng GTVT: Xây dựng cao tốc Bắc-Nam với 'nỗ lực lớn nhất, trách nhiệm cao nhất' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu và phát động thi đua tại Lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sáng nay (1/1). Ảnh: VGP

Lễ khởi công tổ chức đồng loạt tại 13 điểm cầu, trong đó, 3 điểm cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.

Nỗ lực lớn nhất, trách nhiệm cao nhất

Phát biểu tại điểm cầu Quảng Bình (dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, bao gồm cả 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31/12/2022.

Với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147.000 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.

Bộ trưởng GTVT: Xây dựng cao tốc Bắc-Nam với 'nỗ lực lớn nhất, trách nhiệm cao nhất' - Ảnh 2.

Đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công. Ảnh: Báo GT

Ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được các địa phương xác định là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi qua có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận. Đến nay, các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan, đơn vị liên quan của ngành GTVT, đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần dự án đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật.

“Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền các địa phương. Bộ GTVT cũng trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong khu vực dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng GTVT: Xây dựng cao tốc Bắc-Nam với 'nỗ lực lớn nhất, trách nhiệm cao nhất' - Ảnh 3.

Bộ GTVT chính thức phát động phong trào thi đua đón Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông bắt đầu từ ngày 6/1/2023 - Ảnh: VGP

Phát động thi đua đón Xuân Quý Mão trên công trường

Xác định năm 2023 là năm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH hội do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng điều đó đòi hỏi toàn ngành GTVT hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành.

Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Với tinh thần đó, tại buổi lễ, Bộ GTVT chính thức phát động phong trào thi đua đón Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT bắt đầu từ ngày 6/1/2023 (15 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 6/2/2023 (16 tháng Giêng năm Quý Mão) và tổng kết khen thưởng ngay sau khi kết thúc lễ phát động.

Để các phong trào thực sự thiết thực, hiệu quả và đi vào thực chất, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án (QLDA), các chủ thể tham gia dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính.

Cụ thể, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường. Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.

"Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh của các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh khu vực dự án đi qua.

Đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho nhân dân trong quá trình triển khai dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án không tránh khỏi các ảnh hưởng, tác động, Bộ GTVT rất mong bà con nhân dân trong vùng dự án chia sẻ và giúp đỡ cho các đơn vị liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.

12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công, gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2 km); Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km); Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km); Gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29 km); Gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km); Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km).

Cùng với đó là các gói thầu: 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km); Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km); Gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km); Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km); Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km).

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022) với tổng chiều 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến.

Phan Trang

519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 782
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 782
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87004461