Sáng 15/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay”.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò và những yêu cầu đặt ra của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn hiện nay. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đã chia sẻ những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn, nêu ra những đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy và hoạt động của các trường chính trị hiện nay, nêu lên sự cần thiết xây dựng trường chính trị chuẩn; các nhóm tiêu chí trường chính trị chuẩn; yêu cầu đặt ra trong xây dựng trường chính trị chuẩn.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Hiếu
Nhiều tham luận trình bày những nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác tại các trường chính trị như: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; những thuận lợi, khó khăn trong triển khai xây dựng các tiêu chí trường chính trị chuẩn…
Trong bài tham luận về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Thanh Hóa hiện nay”, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ các cấp.
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đạt chuẩn. Trường Chính trị tỉnh phát huy vai trò, vị trí trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Học viên là trung tâm, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, kiến thức, kỹ năng, tâm huyết với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: cần phải xem việc xây dựng trường chính trị chuẩn như là một giải pháp căn cơ, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để tương xứng với vị trí, vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư xác định.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng
phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Minh Hiếu
Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chuẩn từ công tác chuẩn bị giáo án, đến bài giảng theo hướng xuyên suốt, có hệ thống, lôgic phù hợp với từng đối tượng học viên từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp… Nội dung bài dạy phải liên tục đổi mới, cập nhật thường xuyên các chương trình, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để truyền đạt tới học viên một cách chân thực, sinh động và dễ hiểu nhất.
Muốn làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường đi thực tế đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để lấy tư liệu sinh động từ thực tế đưa vào bài giảng của mình. Trong các giờ học, các trường chính trị cần cân đối dành 1/3 thời gian để học viên thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tạo nên sự tương tác giữa giáo viên và học viên.
Cũng tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tỉnh ủy, thành ủy các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các trường Chính trị trên địa bàn, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật.../.
Khiếu Tư/TTXVN