Quảng Trị đưa người từ vùng dịch về
Chiều 4/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra công văn số 3542/UBND/VX về việc đưa người trong vùng dịch trở về địa phương.
Các cán bộ y tế tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân ở thành phố Đông Hà trở về từ vùng có dịch. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay một số người đi lao động, công tác, du lịch ở thành phố Đà Nẵng có nhu cầu trở về Quảng Trị nhưng không thể về, do thành phố này thực hiện giãn cách xã hội. Để tạo điều kiện cho người dân được trở về, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các ngành, địa phương, xây dựng phương án, phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố Đà Nẵng, tổ chức đưa người Quảng Trị trở về địa phương. Việc đưa người trở về Quảng Trị phải thực hiện theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Đến ngày 4/8, tỉnh Quảng Trị đã có 284 trường hợp phải cách ly y tế tập trung, tất cả đều không có triệu chứng, sức khỏe bình thường. 15.000 người đang tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú và đều có sức khỏe ổn định, không có triệu chứng. Từ ngày 3/8, ngành y tế Quảng Trị tiến hành xét nghiệm nhanh, cho tất cả những người trở về từ vùng có dịch COVID-19. UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp 2,1 tỷ đồng cho Sở Y tế mua 15.000 bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã kích hoạt tất cả các cơ sở cách ly y tế để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Các cơ sở cách ly y tế được kích hoạt bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị; Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải; Trung tâm Y tế các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà. Tỉnh cũng đã tạm dừng tất cả hoạt động, sự kiện tập trung trên 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm khu vui chơi, giải trí, câu lạc bộ gym, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường; cơ sở giáo dục, cơ sở dạy thêm, học thêm, trung tâm tin học, ngoại ngữ. Các quán ăn và quán cà phê không được bán tập trung, khuyến khích bán online và bán mang về.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19.
An Giang không để lọt đối tượng nhập cảnh trái phép
Chiều 4/8, UBND tỉnh An Giang có công văn chỉ đạo khẩn các địa phương, nhất là các huyện khu vực biên giới tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”; khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương phối hợp với các ngành công an, y tế và các đơn vị liên quan rà soát chặt chẽ, khai báo y tế, phân loại từng nhóm đối tượng đi về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 để áp dụng biện pháp cách ly phù hợp; giám sát y tế, xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, cho biết: Cán bộ, công chức, viên chức. người lao động phải gương mẫu thực hiện khai báo y tế trung thực việc đi về từ Đà Nẵng, nhất là các trường hợp đã từng đến “ổ dịch”, các khu vực đã bị phong tỏa, cách ly tại Đà Nẵng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
“Tỉnh cũng khuyến khích người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt thì thông báo để được kiểm tra, xét nghiệm; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trên phạm vi toàn tỉnh”, ông Phước thông tin.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh cũng yêu cầu các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hoạt động, sự kiện, địa điểm có tập trung đông người; đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy do dịch COVID-19.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tập trung rà soát, siết chặt việc phòng, chống dịch, không để xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở y tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường mòn, lối mở; không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới vào tỉnh.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh rà soát khai báo y tế toàn dân
Ngày 4/8, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, từ ngày 4 đến hết ngày 10/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương phối hợp với Sở Y tế hoàn thành việc rà soát khai báo y tế toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, giám sát toàn bộ các trường hợp người có bệnh lý nền, người bị cúm, sốt, ho, khó thở và thực hiện xét nghiệm sàng lọc ngay theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát lại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp có người cần cách ly phát sinh trong cộng đồng và các trường hợp khác; tiếp tục thực hiện việc khám bệnh tại nhà cho người cao tuổi.
Các địa phương duy trì, phát huy hiệu quả các tổ tự quản tại các thôn, khu, bản trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch để kiểm soát việc biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người nước ngoài, người từ các tỉnh, thành, địa phương khác về tạm trú, thuê nhà, thuê khách sạn; cập nhật thông tin vào tờ khai y tế tất cả nhân khẩu trên địa bàn; thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, không tập trung đông người khi không cần thiết, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; tổ chức việc cưới, tang lễ gọn nhẹ, an toàn.
Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, cho biết, 113 ca đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế trên địa bàn, 1.076 người trở về từ các địa phương có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đã được xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Các đơn vị y tế cũng đã chuẩn bị 1.207 giường bệnh sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị cho người nghi nghiễm hoặc nhiễm COVID-19.
Theo ông Ninh Văn Chủ, thời gian tới được dự báo là khá phức tạp khi số người đến và trở về Quảng Ninh từ các địa phương có dịch khá đông. Các chuyến bay đón công dân, các chuyên gia nước ngoài về từ các nước có dịch qua sân bay Vân Đồn ngày một nhiều, nguy cơ có nhiều bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 xâm nhập vào địa bàn. Do đó, các lực lượng trong tỉnh cần kiểm soát tốt các đường mòn, lối mở, đường biên và tiến hành rà soát khai báo y tế hiệu quả.
Vĩnh Phúc phòng, chống dịch trong doanh nghiệp
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, làm tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn...
Các doanh nghiệp tiếp tục kiểm soát và khai báo chính xác người lao động đi công tác, du lịch, thăm thân từ vùng có dịch trở về Vĩnh Phúc; chấp hành nghiêm các quy định về việc nhập cảnh đối với chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao vào làm việc, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định; giám sát, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người nước ngoài đã thực hiện cách ly y tế. Cùng đó, các doanh nghiệp xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn phòng dịch trong sản xuất, di chuyển, giao dịch với khách hàng, đối tác kinh doanh; kích hoạt lại và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch trước tình hình mới; tổ chức đoàn công tác để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Ban Quản lý các khu công nghiệp khẩn trương làm việc với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, các công ty hạ tầng và doanh nghiệp liên quan đến việc đưa đón công nhân, chuyên gia, người lao động trong Khu công nghiệp.
Vĩnh Phúc có gần 90.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Đây là lực lượng lao động đông đảo, chủ yếu làm việc ở các nhà xưởng sản xuất với dây truyền khép kín, nhà xưởng khép kín nên rất dễ lây lan dịch bệnh.