Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025 

Chiều 16/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự đảng Ủy ban Dân tộc. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Báo cáo kết quả phối hợp giai đoạn 2016-2020 tại hội nghị cho thấy, Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về chủ trương, giải pháp xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc trong 5 năm qua. Nổi bật, chất lượng, hiệu quả phối hợp tổng kết các văn bản được thực hiện tốt, làm cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách mới về công tác dân tộc và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó, chương trình phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác dân vận, công tác dân tộc; phối hợp chặt chẽ hơn trong vận động đồng bào DTTS tham gia vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

Theo đó, trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt mức khá cao, bình quân trên 7%/năm. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã được đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện theo chuẩn nông thôn mới. Hộ nghèo, hộ bị thiệt hại bởi thiên tai, hạn hán, đại dịch COVID-19, hộ thiếu đói giáp hạt được hỗ trợ, giúp đỡ phát triển sản xuất, từng bước ổn định đời sống.

Theo báo cáo, bên cạnh những thành tích được ghi nhận, vẫn còn một số hạn chế, đó là nội dung chương trình phối hợp giữa hai cơ quan còn chưa nhiều; công tác kiểm tra, hướng dẫn, nắm bắt tình hình cơ sở có lúc chưa kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát trong công tác phối hợp; số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số tỷ lệ còn chưa tương xứng với tỷ lệ số dân của các dân tộc…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh  phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định công tác dân tộc và vận động quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang trở nên ngày càng quan trọng. Đây là chủ trương đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình ký kết đã được Ban Dân vận Trung ương cùng với Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chính sách quan trọng.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hai cơ quan đã tham mưu cụ thể hoá các chính sách về công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là các chính sách xoá đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường; sự nghiệp y tế, giáo dục, được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng, trên cơ sở đạt được yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục được cụ thể hóa bằng những mục tiêu rõ ràng để triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà trọng tâm là chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương biểu dương những thành tích hai cơ quan đã đạt được trong công tác phối hợp những năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh đến nhiệm vụ trong giai đoạn tới đề nghị, hai cơ quan cần nghiên cứu sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản của Đảng về công tác dân tộc; triển khai đồng bộ các giải pháp; chủ động nắm chắc tình hình đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, việc nắm chắc tình hình của đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng vì dịch là rất cần thiết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị đối với công tác giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết, chương trình mục tiêu của các dự án chương trình phối hợp phải có sự phải quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, ngay từ đầu phải có chương trình kiểm tra thường xuyên xuống địa phương, để giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt lưu ý trong quá trình triển khai các mục tiêu của chương trình phối hợp phải thường xuyên đổi mới phương pháp vận động của hệ thống chính trị các cấp, trong đó cần phải dựa vào vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo, mô hình xoá đói giảm nghèo… Đặc biệt, cần phải phát huy vai trò của dân vận trong xây dựng mô hình bài trừ các hủ tục lạc hậu.

“Sau 5 năm nữa chúng ta đánh giá với những kết quả đạt được, tôi mong rằng chúng ta phải kể được nhiều mô hình dân vận khéo, giúp đồng bào bài trừ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là làm sao cho tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tình trạng tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số phải giảm cơ bản”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài mong muốn hai bên cần tích cực triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ những vấn về nảy sinh ở cơ sở; phối hợp tham mưu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dân vận, dân tộc cho cán bộ các cấp.../.

 
Tin, ảnh: Phạm Cường