Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: Mai Hà
Các khách mời tham gia giao lưu gồm: Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT); ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang; ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỳ Chũ Bắc Giang; GS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại.
Buổi giao lưu nhằm khẳng định SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản vật Việt thành hàng hóa có giá trị cao, góp sức phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Xây dựng bảo hộ SHTT đối với đặc sản địa phương được coi là “chìa khóa” để nông sản Việt chinh phục thị trường.
Việc xây dựng bảo hộ SHTT thấy rõ được sự quan trọng trong phát triển tài sản SHTT gắn với phát triển KT-XH, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT. Có thể nói Việt Nam đã có hệ thống pháp luật đầy đủ về SHTT, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt kết quả khả quan, thể hiện qua việc số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xác lập và thực thi quyền SHTT ở nước ta vẫn còn hạn chế, Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn cho biết: Cho đến nay, sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hoạt động SHTT của Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng và đã thực hiện được nhiều mục tiêu chủ yếu như đã xây dựng một nền tảng pháp luật về SHTT đủ hiệu lực và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đã thiết lập một mạng lưới các cơ quan có chức năng thực thi pháp luật SHTT; hoạt động tạo lập và khai thác các loại tài sản trí tuệ ngày càng thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức...
Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội, thách thức đặt ra cho hệ thống SHTT nước ta cũng không nhỏ, đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính đột phá để hệ thống SHTT đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế- xã hội, phát huy vai trò động lực đối với hoạt động đổi mới - sáng tạo của nền kinh tế.
Là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT nói chung và SHCN nói riêng, Cục SHTT đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy những mặt tích cực, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong hoạt động xác lập và thực thi quyền SHTT, cụ thể là: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về SHTT; xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia; cải thiện thủ tục xác lập quyền SHCN tại Cục SHTT…
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về quyền bảo hộ SHTT đối với sản phẩm của địa phương đóng vai trò như thế nào trong xu thế hội nhập hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu - ĐH Thương mại cho hay:Việc bảo hộ đóng vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu đối với các tài sản trí tuệ, trong trường hợp này là các đặc sản của các địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, khi có rất nhiều sản phẩm từ nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, thì việc bảo vệ danh tiếng, uy tín để từ đó tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế cho các sản phẩm địa phương sẽ là cực kỳ quan trọng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cần xác lập được chuỗi cung cứng đối với các đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý. Tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông qua internet (các diễn đàn, mạng xã hội, website…) để nhanh chóng nhất gia tăng nhận thức về thương hiệu đối với người tiêu dùng và tạo cơ hội để phát triển tiếp xúc thương hiệu. Bên cạnh đó, với các trường hợp quyền quản lý đối với chỉ dẫn địa lý vẫn được trao cho các cơ quan quản lý nhà nước như các Sở KHCN, Sở NN… thì nên nhanh chóng trao lại quyền quản lý này cho các tổ chức tập thể (HTX, hiệp hội…) trực tiếp tham gia sản xuất và kinh doanh đặc sản mang chỉ dẫn địa lý thì sẽ phát huy được hiệu lực và hiệu quả quản lý.
Tại buổi giao lưu, nhiều bạn đọc cũng gửi câu hỏi tới các khách mời về các vấn đề như: Sau bảo hộ sở hữu trí tuệ, địa phương sẽ phải làm gì để quản lý được đầu ra của sản phẩm đúng chuẩn như đã được nhà nước bảo hộ; sự cần thiết hay tính hiệu quả của việc tập huấn nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu qua mạng xã hội; vấn đề khó khăn cần giải quyết của địa phương nhằm phát triển sản phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm…/.
Bích Liên