Xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh “Thế trận lòng dân” là một nhân tố cực kỳ quan trọng, là sức mạnh đoàn kết nội sinh, giúp dân tộc ta giữ vững giang sơn, gấm vóc, phát triển trường tồn cho đến ngày nay.
Xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Yếu tố lòng dân, mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của toàn dân, có vai trò vô cùng to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất, sự đồng lòng của toàn dân làm nền tảng để thực hiện toàn dân giữ nước là nét đặc sắc, là quy luật giành thắng lợi trong công cuộc giữ nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta; từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống tinh hoa của dân tộc về xây dựng "Thế trận lòng dân" trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận nền an ninh nhân dân".

Xây dựng “thế trận lòng dân” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, được vận dụng một cách linh hoạt trong thực tiễn cuộc sống, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”, bởi “sức dân như nước, chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.

Thời gian qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hòa bình" để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, với âm mưu thâm độc là nhằm làm ly tán lòng dân, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thủ đoạn để thực hiện âm mưu đó rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau như xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ đảng cộng sản, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, tuyên truyền tư tưởng tư sản, tô hồng và ca tụng xã hội tư sản hiện đại; dùng các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, gây mâu thuẫn nội bộ; móc nối và nuôi dưỡng các phần tử phản động, cực đoan, cơ hội chính trị trong nước, lôi kéo, mua chuộc các phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn, bất đồng quan điểm để gây dựng lực lượng đối lập thực hiện các hành vi chống phá chế độ.

Ngày nay, bảo vệ vững chắc Tổ quốc không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, mà còn là bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ.

Do đó, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng ta thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương tự giác, thường xuyên, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho dân, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân bằng hệ thống các chính sách cụ thể, để Nhân dân được ấm no, hạnh phúc, luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” là một yêu cầu vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính chiến lược lâu dài tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phan Ngân

                                                

762 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1120
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1120
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76676758