T rong ký ức của người dân địa phương, những đồi Cu Vơ, đồi Cột Cờ (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bốn phía chỉ rặt cỏ dại. Đây là những ngọn đồi cao, trải dài qua nhiều xã: Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn.
Nhọc nhằn "thay áo"
Khi đó, người dân địa phương thường đưa gia súc đến đây để chăn thả. Vào mùa khô, khi lau lách ngã màu vàng cháy, người dân lại đốt cỏ trên diện rộng để tạo đồng cỏ non. Núi rừng vào mùa khô vì thế khô khốc, chìm trong mùi cỏ cháy.
Thế nhưng, từ năm 2001, dưới sự "chỉ huy" của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông (tỉnh Quảng Trị) những đồi trọc này bắt đầu được phát quang, các loài cây lâm nghiệp bản địa được đưa đến trồng. Hàng chục công nhân lâm nghiệp được giao khoán việc trồng rừng và ròng rã ăn rừng, ngủ núi để phủ xanh đồi trọc. Họ chủ yếu dùng sức với các công cụ thô sơ. Những công nhân nhớ lại việc trồng rừng ngày đó vất vả, thiếu thốn vô cùng. Cứ phát quang đến đâu là đào hố trồng cây đến đó. Mất gần một năm, đổ không biết bao công sức, họ mới trồng hết dãy đồi Cột Cờ diện tích trên 360 ha này.
Mùa sau sau thay lá tuyệt đẹp ở đồi Cột Cờ. Ảnh: BÔN NGUYỄN
Đồi Cột Cờ cao trên 600 m so với mực nước biển. Theo ông Võ Đình Tuấn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, mỗi hecta tại đồi Cột Cờ được trồng 1.650 cây bản địa như trẩu, sau sau (hay còn gọi là phong hương), muồng đen theo mật độ cây cách cây 3 m, hàng cách hàng 2 m. Các cây giống chủ yếu được mua trên thị trường; riêng loài sau sau, cán bộ đơn vị này phải vào rừng hái quả mang về ươm cây giống.
Trong khi đó, hơn 2.600 ha dọc theo đồi Cu Vơ đã được phủ xanh bằng cây trẩu, thông và muồng đen. Sau khi trồng, việc theo dõi, chăm sóc, trồng dặm được thực hiện thường xuyên. Đến nay, các khu vực đất trống, đồi trọc ngày nào đã khoác lên mình màu xanh bạt ngàn, có chức năng phòng hộ. Để bảo vệ những cánh rừng non này, lực lượng giữ rừng luôn phải căng mình túc trực.
"Mùa khô chúng tôi phải túc trực 24/24 giờ để phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì thế, khi có dấu hiệu cháy rừng xảy ra chúng tôi đều nhanh chóng khoanh vùng, xử lý. Cũng nhờ vậy, từ lúc hình thành những cánh rừng này đến nay chưa có vụ cháy nào xảy ra nghiêm trọng" - ông Tuấn nói.
Thống kê cho thấy từ năm 2001 đến 2018, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các dự án, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã phủ xanh hàng ngàn hecta đất trống, đồi trọc.
Mùa này, tìm đến đồi Cột Cờ, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng trước cảnh rừng tuyệt đẹp. Trong khi loài sau sau đang ra lá non, xanh mơn mởn thì loài trẩu cũng bắt đầu bung hoa trắng muốt. Nếu đứng dưới lòng hồ công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị nhìn lên hoặc trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nhìn xuống, cánh rừng hỗn giao này vô cùng đẹp mắt, nên thơ. Đặc biệt là màu xanh ngút ngàn của loài sau sau do chính tay những người giữ rừng hái, ươm, trồng, chăm sóc.
Ông Đinh Thanh Bình, Trưởng Trạm Bảo vệ rừng Hướng Phùng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông), nói cánh rừng này đẹp nhất vẫn là mùa sau sau thay lá. Đó là vào mùa đông, cả quả đồi Cột Cờ đỏ au trong sắc lá sau sau. "Đồi Cột Cờ hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách phương xa. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ cánh rừng này thật tốt" - ông Bình khẳng định.
Người dân Vân Kiều vào đồi Cu Vơ nhặt quả trẩu, tách lấy hạt. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Không chỉ đồi Cột Cờ, vào mùa này, đi dọc theo đồi Cu Vơ (kéo dài từ xã Hướng Tân, Hướng Linh đến xã Hướng Phùng) sẽ thấy hoa trẩu cũng bắt đầu bung hoa. Nhiều năm qua, cư dân địa phương hưởng lợi lớn từ rừng trẩu được trồng tại dãy đồi này.
Cứ bắt đầu vào tháng 5 âm lịch, người dân địa phương lại tìm đến đồi Cu Vơ, đồi Cột Cờ để nhặt quả trẩu, tách lấy hạt mang đi bán. Năm ngoái, hạt trẩu khô được thương lái thu mua 14.000 đồng/kg, mỗi ngày người đi nhặt trẩu thu nhập từ 200.000 - 500.000 đồng. Ước tính mỗi vụ, người dân thu nhặt được hàng chục tấn hạt trẩu khô, thu nhập đáng kể trong lúc nông nhàn.
Chị Hồ Thị Nương (36 tuổi, dân tộc Vân Kiều; ngụ thôn Của, xã Hướng Tân) cho biết lúc vào mùa, mỗi ngày một người có thể nhặt được từ 15 - 30 kg hạt trẩu. Mùa trẩu kéo dài hơn 3 tháng và không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em sống gần rừng cũng tham gia. "Lúc đầu, một số người chặt cả nhánh trẩu để lấy quả nhưng nay không còn tình trạng đó nữa. Bây giờ, mỗi khi vào rừng, chúng tôi luôn bảo nhau chỉ được phép nhặt những quả trẩu đã rụng, chứ không chặt cây, hại nhánh. Có như thế bà con mới thu hoạch quả trẩu được dài lâu và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng tại các khu vực này" - chị Nương phấn khởi.
Độ che phủ rừng đạt 49,9 %
Theo thống kê, trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng trên 12.000 ha rừng và trên 3 triệu cây phân tán; sản xuất trên 27 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, bảo đảm chất lượng để tổ chức tốt việc trồng rừng tập trung. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, có hơn 700 ha rừng được trồng sau khi khai thác rừng trồng. Đến nay, mật độ che phủ rừng tại tỉnh này đạt 49,9%, góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan và giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
ĐỨC NGHĨA
https://nld.com.vn/moi-truong/xanh-lai-nhung-doi-troc-20230221211448277.htm