Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Triệu Phong (Quảng Trị) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 nam sinh để làm rõ hành vi xâm hại tình dục tập thể một nữ sinh lớp 10. Bước đầu đã xác định 6 nam sinh liên quan trực tiếp đã có hành vi lợi dụng tiệc sinh nhật vào tối 24.3, chuốc rượu nữ sinh đến say, mất khả năng chống cự để thực hiện hành vi trên. Công an huyện này cũng triệu tập thêm 9 nam sinh cũng đang theo học tại 2 trường THPT trên địa và 1 thanh niên đã nghỉ học cũng sống trên địa bàn huyện để lấy lời khai
Sự việc này diễn ra sau nhiều vụ liên quan đến hành vi xâm hại tình dục khác xảy ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc trong dư luận.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên chuyên ngành luật Hiến pháp hành chính, Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng nếu sự việc xâm hại tình dục tập thể nữ sinh ở Quảng Trị đúng như các báo nêu thì thật đáng tiếc. “Không biết những học sinh tham gia vụ việc này ở thời điểm đó có biết mình đang vi phạm hình sự không, nếu không biết thì rất nguy hiểm”.
Theo thạc sĩ Quang: “Nếu nhìn ở góc độ tuyên truyền pháp luật, có thể thấy nhận thức pháp luật của một bộ phận người trẻ đang rất kém. Họ chưa nhận thức đúng được quyền của mình và quyền của người khác. Đôi khi họ thực hiện hành vi nhưng không biết mình đang xâm hại vào quyền của người khác và hậu quả để lại rất lớn”.
“Giáo dục nhận thức là giải pháp ngăn ngừa từ trứng nước, còn luật pháp chỉ là xử lý hậu quả”, ông Quang nói.
Tương tự, luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang, Công ty Luật TNHH Lưu Trang, cũng nhìn nhận xu hướng phạm tội của trẻ vị thành niên ngày càng manh động, liều lĩnh và bất chấp.
Theo luật sư Trang, có nhiều nguyên nhân khác nhau như: ảnh hưởng phim ảnh, môi trường sống, gia đình thiếu quan tâm và nuông chiều. “Đôi khi bản thân họ sống ích kỷ, thích thể hiện nên mặc dù nhận thức được hành vi vi phạm nhưng không nhận thức được hậu quả”, luật sư Trang nhận định.
Tuy nhiên, theo luật sư Trang, nguyên nhân quan trọng là mức phạt chưa đủ nghiêm, chưa đủ mức răn đe. Chưa kể việc tuyên truyền pháp luật trong môi trường giáo dục chưa thực hiện đầy đủ, mang tính chiếu lệ nhiều.
Nói về giải pháp, theo luật sư Lưu Đức Quang, vấn đề mấu chốt ở đây chính là việc giáo dục pháp luật cho người trẻ. Cụ thể là giúp học sinh nhận biết được quyền của mình và của người khác, khi đó nguy cơ bị lạm dụng quyền và lạm dụng quyền của người khác sẽ thấp xuống.