|
Hội nghị quản lý bệnh viện khu vực châu Á năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 11-12/9. Ảnh: VGP/Thanh Hải |
TS Kidong Park chia sẻ, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách tiếp cận toàn diện, hiệu quả nhất để bao phủ sức khỏe toàn dân và tăng cường sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho mọi người.
Và để đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân đòi hỏi phải xác định rõ ràng vai trò của bệnh viện trong việc cung cấp dịch vụ và các nỗ lực có mục tiêu để tối ưu hóa hiệu suất của các mục tiêu đó. Khi các cơ sở y tế hoạt động tốt và hiệu quả thì hoạt động tổng thể của hệ thống y tế sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cũng nhận định, nhiều quốc gia hiện nay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn để cải thiện hiệu quả hoạt động của bệnh viện cũng như hiệu quả hoạt động của tổng thể ngành y tế.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm công tác trong ngành y tế, TS Kidong Park đã chia sẻ một số giải pháp nhằm quản lý bệnh viện hiệu quả tại các quốc gia như: Tại cơ sở y tế, các bệnh viện có thể cải thiện hiệu quả hoạt động bằng cách tăng trách nhiệm, tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả của hoạt động hàng ngày, đồng thời đảm bảo tính công bằng.
Các bệnh viện cũng có thể tăng trách nhiệm bằng cách giới thiệu cấu trúc quản lý rõ ràng, tuân thủ quy định của Chính phủ và giám sát các hoạt động.
|
TS Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Thanh Hải |
“Một hệ thống bệnh viện bền vững phải dựa trên thực hành quản trị hợp lý và có thể thích ứng với những thay đổi của môi trường bên ngoài và giảm thiểu rủi ro”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Cũng theo TS Kidong Park, chất lượng dịch vụ tại bệnh viện cần bao gồm cấu trúc và quy trình quản trị lâm sàng, an toàn cho bệnh nhân, chất lượng kỹ thuật, kinh nghiệm của bệnh nhân và gia đình, tiếp tục chăm sóc.
Hiệu quả ở cấp độ cơ sở có thể đạt được thông qua quản lý vận hành hiệu quả, bao gồm dòng bệnh nhân được sắp xếp hợp lý, quản lý cung ứng và hậu cần hợp lý và số lượng nhân viên y tế phù hợp và năng lực tốt. Các bệnh viện có thể đóng góp cho bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách đảm bảo rằng có sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Do bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa xung quanh ngành y tế và bệnh viện là khác nhau giữa các quốc gia, vì vậy, con đường hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân cũng sẽ khác nhau theo từng quốc gia. Tuy nhiên, một hệ thống y tế dựa trên chăm sóc sức khỏe ban đầu với sự hỗ trợ của mạng lưới bệnh viện là chìa khóa để đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam nhấn mạnh .
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm đóng góp từ cơ quan quản lý ngành y tế của các quốc gia. Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng một kế hoạch hành động để cải thiện y tế tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng ngày, 3 bệnh viện tư của Malaysia (gồm Trung tâm Y tế Mahkota, Trung tâm Y tế Subang Jaya, Trung tâm Y tế Sunway) và 3 bệnh viện tư Việt Nam (gồm bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, bệnh viện Tai mũi họng miền Trung) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Y tế của 2 nước. Sự hợp tác này sẽ cho phép bệnh nhân sau khi nhận được tư vấn và chẩn đoán ban đầu từ các bác sĩ của 3 bệnh viện Việt Nam có thể tìm kiếm ý kiến chuyên môn thứ 2 từ 3 đơn vị y tế của Malaysia, nếu có nhu cầu.
Thúy Hà