Người không có nơi thường trú đăng ký tại nơi ở hiện tại
Dự thảo Nghị định có 3 chương, 19 điều, gồm các điểm đáng chú ý được quy định: Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân trong đăng ký cư trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú; xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, dự thảo cũng quy định về nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; quy định nơi thường xuyên đậu, đỗ của tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển là địa điểm phương tiện đó đậu, đỗ ổn định, thường xuyên trong 12 tháng liên tục do chủ phương tiện tự xác định và đã đăng ký, được UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã cấp giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã cấp giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện sử dụng giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện để đăng ký thường trú, tạm trú cho bản thân mình hoặc người khác sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện nếu chưa có nơi thường trú, tạm trú nào khác.
Về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú: Dự thảo Nghị định quy định người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đối với trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn người đến khai báo kê khai thông tin về nhân thân với các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chụp ảnh chân dung, thu thập đặc điểm nhận dạng theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; đồng thời, có xác minh bằng văn bản đề nghị cung cấp thông tin gửi UBND cấp xã nơi công dân sinh ra và các cơ quan khác có liên quan.
Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác, thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác, thì cơ quan đăng ký cư trú hoàn thiện thủ tục cần thiết để cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận về việc khai báo cư trú cho công dân.
Đối với giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, dự thảo Nghị định quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó)...
Đăng ký thường trú chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ… có xác nhận về diện tích nhà ở
Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân, dự thảo Nghị định quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú...
Trường hợp thông tin chứng minh quan hệ nhân thân của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân.
Về Cơ sở dữ liệu cư trú, dự thảo Nghị định đã quy định rõ các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và quy định Cơ sở dữ liệu về cư trú là một hệ cơ sở dữ liệu duy nhất do Bộ Công an quản lý, được kết nối thống nhất, đồng bộ đến công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và công an cấp xã.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về cư trú được chặt chẽ, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ nội dung về xây dựng Cơ sở dữ liệu về cư trú; nguồn thông tin, yêu cầu, thứ tự thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú; trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân; chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu về cư trú; cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; sao lưu, phục hồi dữ liệu cư trú.
Lê Sơn