Xã Tà Rụt (Đakrông) nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô 

Huyện miền núi biên giới Đakrông nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, có ba dân tộc anh em cùng định cư lâu đời gồm Vân Kiều, Pa Cô và Kinh. Đây là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa từ thời tiền sử, là mảnh đất con người lập nghiệp từ rất sớm với những đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển vun đắp nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Đakrông có bản sắc văn hoá rất phong phú và đặc sắc. Trong đó, xã Tà Rụt được xem là nơi đang lưu giữ và phát triển nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Trong những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tà Rụt đặc biệt quan tâm, khuyến khích việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc. Tổ chức nhiều buổi sinh hoạt cộng đồng nhằm mục đích lồng ghép kể chuyện về các truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô như: ghi chép các mẫu chuyện, câu chuyện, các bài hát dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, trang phục, các đạo cụ, các nghi thức, nghi lễ, các tục lệ và tập quán sinh sống… cho các tầng lớp nhân dân trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khuyến khích duy trì hoạt động của các đội nghệ nhân cồng chiêng và đội văn nghệ quần chúng, việc chế tác và lưu giữ các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc. Quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, làn điều dân ca trước nguy cơ bị mai một.  

Lễ hội Ariêu Piing

Qua đó, đã góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô cho các đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Đánh thức những tiềm ẩn trong văn hóa ứng xử của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mà người lớn tuổi khó truyền đạt được cho lớp trẻ. Số nghệ nhân tham gia hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng nhiều, nhu cầu hưởng thụ văn hóa dân tộc đến tận gia đình ngày càng rộng khắp. Các phong tục, tập quán, nghi thức, lễ hội được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, không rườm rà và tiết kiệm, không trái với luật di sản văn hoá. Nhiều loại hình nhạc cụ truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô được chú trọng giữ gìn và phát huy như: Cồng, chiêng, trống, khèn, Đàn Ta lư, ABen; Sáo; Khui; Xập xỏa... các loại nghề truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô được duy trì và phát triển (qua khảo sát điều tra trên địa bàn 7 thôn của xã Tà Rụt đang lưu giữ 188 chiếc cồng chiêng, chủ yếu ở các hộ gia đình cao tuổi. Hiện tại, trên địa bàn xã có 39 người biết sử dụng Cồng chiêng, 22 người biết thổi khèn, 28 người biết đánh đàn TaLư trong đó có 17 người chế tác đàn TaLư, 30 người biết hát các làn điệu dân ca Pa Cô). Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội A Riêu Ping (bốc mã), A Da (mừng lúa mới), Prúc bor (cầu mùa), lễ hội đâm trâu, lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Kăl Năng Mương (hoàn ân thổ thần được tổ chức để tạ ơn các thần liên quan đến đất đai bởi các thần đã che chở cho sự sống của loài người và muông thú)… các làn điệu dân ca như Xiêng, Tà oải, Xa nớt ... Đội nghệ nhân Cồng chiêng và đội văn nghệ dân gian xã Tà Rụt được huyện tạo điều kiện đi tham gia hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh; đã đạt được nhiều giải thưởng có giá trị như: 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 12 huy chương đồng, 01 bằng khen của Bộ VHTT-TT&DL và nhiều giấy khen khác. Đặc biệt xã Tà Rụt rất vinh dự có 03 nghệ nhân ưu tú đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu và 02 nghệ nhân tham gia Hội văn học nghệ thuật các dân tộc tỉnh Quảng Trị, 01 nghệ nhân tham gia Hội văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân Hồ Văn Việt ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt đang chế tác nhạc cụ đàn TaLư

Với đặc trưng văn hóa của mình, cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô của huyện Đakrông nói chung và xã Tà Rụt nói riêng đã và đang góp phần làm đa dạng nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà quan trọng hơn là những giá trị ấy thấm đẫm vào các thế hệ tiếp nối để kế thừa và phát huy. Ngô Minh Phước-Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông

1503 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 886
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77588175