Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải sẽ đưa năng lượng tái tạo đi xa 

(TPO)- Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện có ý nghĩa thế nào đến sự phát triển của năng lượng tái tạo?

Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải sẽ đưa năng lượng tái tạo đi xa

“Sức nóng” vượt qua mọi tưởng tượng

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đúng một tuần sau đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến làm việc một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Có thể, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi điểm đến đầu tiên của đoàn công tác do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu lại là Gia Lai và Quảng Trị, hai địa phương có nhu cầu điện chưa lớn. Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người trên địa bàn Gia Lai trên 500 kWh, Quảng Trị trên 1.000 kWh, thấp hơn từ 2 đến 4 lần so với mức bình quân cả nước (trên 2.000kWh).

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã xây dựng nên những nền tảng mà từ đó tạo ra khung khổ pháp lý và nguồn lực cho phát triển năng lượng bền vững.

Trong đó, yêu cầu phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là thế mạnh của 2 địa phương. Quảng Trị có 72 dự án điện gió  được đề xuất với tổng công suất gần 3,7 nghìn MW và 22 dự án điện mặt trời tổng công suất gần 1.800 MW.

Dự kiến trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây đã lên đến gần 10.00 MW. Với Gia Lai, tổng công suất của các dự án điện gió và điện mặt trời đề xuất lên tới gần 14.000 MW.

Lãnh đạo 2 địa phương này chia sẻ, sau nhiều năm tìm hướng đi, khi “gặp” Quyết định 11, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện mặt trời và điện gió, đã thống nhất chọn năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột trọng yếu trong chiến lược phát triển.

Trên bình diện cả nước, Quyết định 11 năm 2017, Quyết định 39 năm 2018 đã tạo ra cú bứt phá thần kỳ trong lịch sử ngành điện. Từ năm 2013 đến 2017 mới có 4 MW điện mặt trời, nhưng 2 năm 2018, 2019 đã tạo thêm hơn 5.000 MW nữa (!). Điện gió cũng tương tự, nhưng ở mức độ ít hơn, từ 2013 đến 2017 có 152 MW, đến 2019 đã tăng gần gấp đôi, lên 270 MW.

“Sức nóng” của điện mặt trời vượt qua mọi tưởng tượng của các nhà lập kế hoạch. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020 sẽ 850 MW điện mặt trời, nhưng hết năm 2019 công suất đã hơn 5.000 MW, vượt gần 6 lần Quy hoạch. Quan trọng hơn, sản lượng từ điện mặt trời đến hết năm 2019 khoảng 5 tỷ kWh, điện gió gần 1 tỷ kWh, là một nguồn bổ sung đáng kể cho hệ thống điện, hỗ trợ đáng kể cho phụ tải vào giờ cao điểm buổi sáng, trùng với thời gian bức xạ mặt trời tăng lên.

Xử lý nút thắt hạ tầng

Nhưng sự thăng hoa của nguồn điện mặt trời, điện gió đã có thời gian làm cho hạ tầng điện không theo kịp. Tức là, công suất nguồn của 2 loại năng lượng tái tạo này tăng đột ngột, nhưng lưới điện và trạm biến áp không đủ công suất để tiêu thụ hết.

Nguyên nhân là các dự án điện mặt trời chủ yếu do khu vực tư nhân đầu tư. Vì là doanh nghiệp tư nhân, nên không bị vướng quy trình thủ tục pháp lý, nhất là trong quản lý các nguồn vốn.

Trong khi đó, các dự án hạ tầng về điện đều được thực hiện bằng nguồn lực Nhà nước thông qua EVN, nên phải tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý nguồn vốn. Vì vậy quy trình thủ tục và tổ chức thực hiện mất rất nhiều thời gian.

Một lãnh đạo ngành điện lấy ví dụ, cùng một dự án, tư nhân có thể chỉ định thầu, không mất một giây phút nào về thủ tục. Nhưng của nhà nước, phải qua đấu thầu. Mỗi lần đấu thầu mất khoảng 3 tháng. Dự án có 4 công trình thì nhà nước đã chậm hơn tư nhân 1 năm.

Chuyến công tác tại Quảng Trị, Gia Lai cũng làm sáng rõ hơn bức tranh này. Gia Lai và Quảng Trị có chung một đặc điểm, tổng công suất nguồn lớn hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Như vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang được đầu tư, nhằm chuyển tải đi chứ không phải để sử dụng tại chỗ.

Theo phân tích của đoàn công tác Bộ Công Thương, Gia Lai và Quảng Trị không còn nhiều dư địa để giải tỏa công suất cho các dự án điện gió mới. Hiện khả năng đường dây và trạm biến áp của Gia Lai chỉ có thể giải tỏa được thêm 300 MW, nếu mở rộng công suất trạm biến áp  Pleiku 2 lên gấp đôi cũng chẳng “bõ bèn” gì so với 8.000 MW điện gió mà tỉnh gửi ra cho Bộ Công Thương thẩm định.

Chính vì thế, ở 2 địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để khai thác hiệu quả Quyết định 39, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương để lọc ra những dự án có tính ưu tiên cao và mang tính khả thi để Bộ ưu tiên phê  duyệt, hoặc trình Chính phủ phê duyệt. Nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đầu năm nay, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ. Trong đó, các dự án điện bổ sung vào quy hoạch phải đáp ứng được các điều kiện về đấu nối, giải tỏa công suất; năng lực của nhà đầu tư. Như vậy, chỉ đưa vào Quy hoạch VII hiệu chỉnh những dự án cấp bách có tổng công suất bằng với năng lực giải tỏa công suất của hệ thống lưới điện và trạm biến áp.

Sự nỗ lực tích cực đã hóa giải được câu chuyện giải tỏa công suất, hiện nay điện mặt trời được giải tỏa công suất lên tới 70 - 80%. Dự kiến đến tháng 6/2020, về cơ bản sẽ giải tỏa hết công suất.

Xã hội hóa đầu tư

Phát triển đồng bộ, hợp lý về nguồn, lưới điện và trạm biến áp là yêu cầu thực tiễn. Nhưng thực tế không đơn giản. Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, từ nay đến 2030, mỗi năm ngành điện cần đầu tư 12 tỷ USD, nếu chỉ riêng Tập đoàn thì không đủ sức thu xếp, nên Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo vấn đề xã hội hóa hết sức quyết liệt.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi giới thiệu Nghị quyết 55 tại những tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết này là “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.

Nhưng hoạt động thực tiễn tại Gia Lai và Quảng Trị cho thấy, cơ chế đầu tư (của doanh nghiệp tư nhân) và chính sách hoàn trả vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn những điểm vướng mắc.

Nói nôm na là các nguồn lực xã hội có thể tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải, sau đó bàn giao (bán lại) cho nhà nước. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, EVN và nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Nhưng đi vào thực tế vẫn phát sinh những nút thắt. Theo ông Nguyễn Tài Anh, để bàn giao tài sản sang EVN, luật quy định phải đấu thầu trong xây dựng đường dây hay trạm điện. Trong khi doanh nghiệp tư nhân thường sử dụng hình thức chỉ định thầu, vì đấu thầu mất khá nhiều thời gian.

Được biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng để nắm bắt thêm các vấn đề thực tiễn, những kiến nghị mới. Tập hợp những kiến nghị này, Bộ sẽ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần để các địa phương tận dụng được mọi nguồn lực xã hội và khai thác tốt các cơ hội do cơ chế của Quyết định 11, Quyết định 39 mang lại.

Xã hội hóa đầu tư  vào hạ tầng truyền tải đang được kỳ vọng sẽ  cùng với Quyết định 11, Quyết định 39 tiếp tục viết lên những trang sử vượt qua mọi sức tưởng tượng để 5 năm tới, đến 2025, công suất nguồn của điện mặt trời đạt khoảng 11.000 MW, điện gió gần 5.000 MW, chiếm khoảng 15% trong cơ cấu tổng công suất nguồn.

MẠNH ĐỨC

377 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 564
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 564
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87060281