Xa dân chính là nguy cơ tồn vong của Đảng cầm quyền, để khắc phục tình trạng này cần phải có những giải pháp cụ thể qui định trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để khắc phục bệnh xa dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu: “Thực túc binh cường”,

và hằng ngày Người dành thời gian tăng gia sản xuất. (Ảnh: hochiminh.vn)

Bài 1: Bài học về vai trò của Nhân dân

(ĐCSVN) -  Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, chính vì điều đó nhân dân theo Đảng để làm cách mạng giành lấy độc lập, tự do, cơm áo. Vì hạnh phúc của nhân dân chính là mục tiêu, lý tưởng và là lẽ sống của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân

Lịch sử nhân loại đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quí giá và to lớn là nhân dân, thực tiễn cho thấy lực lượng, giai cấp lãnh đạo nào cũng luôn cần có sự ủng hộ của nhân dân, đây được xem như là một qui luật tất yếu. Lịch sử là do quần chúng Nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải do vài ba cá nhân anh hùng nào làm lên. Đối với dân tộc Việt Nam qua hơn 4000 năm lịch sử tiếp tục minh chứng cho qui luật ấy là chân lý, đại thi hào Nguyễn Trãi người đã tổng kết thiên tài rằng,“Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Người cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân và khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Do đó, “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”, cán bộ phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 15/10/1949, cách đây đúng 70 năm, bài báo của Bác Hồ có tựa đề “Dân vận” được đăng trên báo “Sự thật” với bút danh X.Y.Z. Bài báo có dung lượng nhỏ, ta có thể đếm được từng câu, từng chữ, nhận rõ từng ý, từng lời nhưng thực sự lại là một tác phẩm lớn. Tác phẩm ở tầm vóc là một tuyên ngôn, một cương lĩnh về vận động quần chúng. Trong tác phẩm này, Bác đã đề ra một công thức để vận hành công tác dân vận ở tầm chiến lược đó là: “Dân vận đúng và khéo thì phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây chính là chỉ dẫn của Bác về công tác dân vận. Đặc biệt, Người còn nhấn mạnh, vận động nông dân phải vận động thế nào cho toàn thể nông dân “động”, nghĩa là làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của mình… Muốn như thế, cán bộ phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ. Như vậy, người đòi hỏi cán bộ ở cơ sở cán bộ từ tỉnh phải đi đến xuống huyện, xã; cán bộ huyện phải xuống tận xã, thôn nên phải chân đi, đi xuống cơ sở, để nghe dân nói, tay làm để nêu gương, miệng nói để truyền đạt Nghị quyết và cuối cùng là óc nghĩ tức là từ thực tiễn tổng kết thành lý luận…

Nói như thế để một lần nữa nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên thấy rằng vai trò vị trí của Nhân dân là to lớn như thế nào, để lựa chọn cách đối xử và hành động với Nhân dân sao cho hiệu quả tốt nhất.

Có một thực tế là lực lượng, giai cấp lãnh đạo luôn muốn tập hợp đồng hành lãnh đạo quần chúng nhân dân để đạt được mục tiêu lợi ích nào đó, sau khi đạt được mục đích, có được những gì mình muốn lại suy thoái, không quan tâm đến Nhân dân, thậm chí đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, đè nén áp bức, bóc lột họ và chế độ đó dẫn đến suy tàn và bị diệt vong.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta dân theo Đảng làm cách mạng để có ruộng đất cho dân cày, cuộc cách mạng ấy thật vĩ đại vì đã giải phóng được người dân khỏi áp bức bóc lột, từ địa vị nô lệ trở thành người chủ của đất nước.

Nhiều vụ việc nhức nhối đau lòng thời gian vừa qua cho chúng ta bài học quí giá về công tác gần dân, như vụ việc bạo loạn gây rối ở Tây nguyên, chúng ta đã mất cảnh giác và chủ quan không nắm dân, không nghe dân phản ánh để các thế lực thù địch lợi dụng, móc nối với phần tử xấu tiêu cực, mất mãn lợi dụng chống phá ta.

Hay vụ việc xảy ra tại Thái Bình năm 1997, khi đó người dân Thái Bình khiếu kiện tập thể, khiếu kiện đông người, đã có một số nơi bạo động đánh cán bộ, đốt nhà, bắt giữ công an…Thường vụ Bộ Chính trị lúc đó đã có chỉ thị khẳng định, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và vì thế nên dùng phương pháp vận động, thuyết phục, giáo dục và đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị tiêu cực tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Và cán bộ chủ chốt của hơn 200 xã trong 285 xã được thay thế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chánh Thanh tra, Giám đốc Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân được điều đi khỏi Thái Bình, những tố cáo và khiếu nại của Nhân dân được giải quyết, có lý có tình, kết luận thỏa đáng, xử lý cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật được dân hoan nghênh ủng hộ, Thái Bình trở nên yên bình.

 Những bài học xương máu ấy vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và là những chỉ dẫn quan trọng cho cán bộ, đảng viên về vai trò của Nhân dân trong cách mạng và yêu cầu gần dân, lắng nghe dân là tất yếu khách quan.

Những vụ việc “điển hình” xa dân

Từ khi có chính quyền, Đảng ta đã không ngừng quan tâm, chăm lo cho Nhân dân, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên xa dân, xem nhẹ vai trò của Nhân dân, họ tự cho mình cái quyền đứng trên Nhân dân.

 Hình ảnh người phụ nữ được cho là bà Đ.T.H (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông) được báo chí phản ánh, hồi cuối tháng 3/2019  luôn xưng “mày, tao” và có những lời lẽ phát ngôn kiểu chợ búa với người dân. Với giọng điệu hách dịch: “Tao không muốn làm việc với dân ở đây. Tao không cần kê khai của dân, tao chỉ cần xác nhận, tao làm việc độc lập. Tao không sợ thằng nào bảo kê ở đây nhá, dù là thằng nào ở phòng Tài nguyên, bảo kê là tao chấp đó…”. “Tao sẽ gọi cho lãnh đạo của mày chứ mày đừng có bố láo với tao nha”.

Đặc biệt, người phụ nữ này còn phát ngôn: “Ăn cướp của Nhà nước thì được, ăn cướp của Nhà nước thì dễ nhưng ăn cướp của tao không dễ đâu”. Ngay sau khi được đăng tải, video clip này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Tất cả đều thể hiện thái độ bất bình, phẫn nộ trước tư cách hành xử khiếm nhã của một vị cán bộ Nhà nước.

Trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh - giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) “quỳ gối” trong sân UBND tỉnh Đắk Lắk (ngày 6/8), xin về lại trường cũ. Lý do cô giáo này đưa ra là, “Tại đây, cán bộ tiếp dân nói trường hợp của tôi họ không tiếp nhận, không trả lời nữa nên tôi đi sang UBND tỉnh”, thật là không còn gì để nói.

Câu chuyện về một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, “khốn khổ” vì thanh kiểm tra một năm phải tiếp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp thanh, kiểm tra tới 138 lần. Trong đơn gửi báo chí, ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Phi Long đã dẫn ra các cuộc thanh tra và cho biết, cả ông và nhân viên mệt mỏi vì bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Theo ông Tuấn, đáng nói là sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, những vướng mắc, thủ tục, khó khăn của công ty kiến nghị không được giải quyết, hệ lụy là hàng nghìn tỷ đồng vốn của công ty đang bị chôn chân tại các dự án, đẩy doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Không chỉ các dự án trên, Dự án Chung cư Miếu Nổi, ở quận Bình Thạnh mà công ty này triển khai đến nay 22 năm vẫn chưa hoàn thành vì thủ tục kiểu “trên bảo dưới không nghe” và “ngâm” hồ sơ, không giải quyết.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang  bày tỏ nỗi “khổ” tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương chiều 4/7/2019, rằng: Còn có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến tỉnh. Cụ thể, năm 2018, tỉnh “tiếp”  đến 11 đoàn, trong đó có nhiều đoàn nội dung kiểm tra, thanh tra trùng lắp, khiến địa phương mất rất nhiều công sức và thời gian để phục vụ. “Địa phương mất rất nhiều sức, thời gian để phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Đề nghị các bộ, ngành và cơ quan trung ương khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cần có kế hoạch phối hợp, tránh nội dung thực hiện trùng lặp”, ông Lê Tiến Châu kiến nghị.

 Dân trông chờ vào công tác thanh, kiểm tra để giúp hạn chế những rủi ro, tiêu cực trong xã hội để phát triển tốt hơn. Việc lợi dụng thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh, khó dễ “làm bậy”, “làm khó” công dân và doanh nghiệp là một sự phản bội niềm tin của dân.

Hay việc tố cáo, khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, là nỗi đau của người dân suốt 20 năm qua, ngày đêm mòn mỏi đi khiếu nại, từ địa phương đến trung ương về đền bù, bồi thường thiệt hại. Nước mắt, nỗi đau tột cùng của người dân là không gì bù đắp được. Chỉ có thể đặt mình vào người dân oan trái mới hiểu được nỗi đau của họ. Ở đây đặt ra câu hỏi cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo có liên quan đã vì dân chưa? hay là vô cảm, thờ ơ với nỗi khổ của người dân Thủ Thiêm vì lợi ích cá nhân mà xa dân, không lắng nghe, không đối thoại với dân, hệ quả để lại là rất lớn đó là uy tín danh dự của cán bộ, đảng viên, trên hết là uy tín của Đảng, Nhà nước. Thiệt hại của người dân là không thể đo đếm được về cả vật chất và tinh thần, nhiều hộ dân vật vờ màn trời chiếu đất mong chờ một quyết định đúng hợp lòng dân. Câu hỏi đặt ra là có ai khóc cùng dân không?.

Nói về trách nhiệm của đại biểu HĐND, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 15/10/2019, tại quận 5, TP Hồ Chí Minh cử tri Mai Thanh Hà cho rằng, “nhiều người không đủ tư cách làm đại biểu HĐND vì luôn im lặng trong các kỳ họp, làm ngơ trước thảm cảnh của người dân Thủ Thiêm, khu Công nghệ cao, Công viên Safari Củ Chi, dự án treo, kẹt xe, ô nhiễm…”.

 Cùng nói về người đại diện cho dân, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết: “Thật buồn lòng khi mà người dân cho rằng đó là những ông “nghị gật”, đề nghị cần cơ chế thu hút cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND, tránh việc mọi người nói là “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, Nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh”.

Gần đây dư luận lại ồn ào, câu chuyện Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, chia sẻ với báo chí, ông Trương Minh Hoàng-  Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Cá nhân anh tự lắp đặt camera an ninh thì không sao, nhưng lấy tiền ngân sách lắp thì không được. Nếu tỉnh nào cũng làm như Sóc Trăng thì sẽ thế nào?”.

Ông Trương Minh Hoàng cho biết: “Vùng Tây Nam Bộ thời điểm vùng này an toàn đến mức người dân ngủ không cần khóa cửa, không sợ trộm cắp, điều đó cho thấy làm gì phải lắp camera để chống khủng bố”.

Nhấn mạnh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận có sự quan cách, xa dân của người lãnh đạo khi đưa ra những quyết định để “tạo khoảng cách” với chính người dân. Nêu thực tế nhiều lãnh đạo “kín cổng cao tường”, dân nghèo nhưng lãnh đạo lại “thích hoành tráng”, ông Kim cho rằng việc lắp camera nhà lãnh đạo để đảm bảo an ninh là không cần thiết. Đặc biệt, khi dùng đồng tiền ngân sách một cách sai quy định, sai đối tượng và mục đích.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp dân cả nước nói chung chưa làm tốt nhiệm vụ chức năng của mình. Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, quan liêu hách dịch, nhũng nhiễu, thậm chí còn thách đố: “anh (chị) cứ khiếu kiện thoải mái, chỉ sợ không có sức”…Nhiều trường hợp còn vòi vĩnh, mặc cả gây khó dễ để kiếm phong bì, phong bao; có người mất cả phong bì, phong bao cuối cùng cũng không được việc rồi không biết đòi ai! Người dân cho rằng nỗi khổ nhất là đi làm thủ tục hành chính, nghe đến là đã ngại rồi, chưa muốn nói là sợ, đơn từ xã chuyển đến huyện rồi lên tỉnh, trung ương sau lại kính chuyển về chỗ ban đầu, và không dễ gì mà người đời lại có câu “hành dân là chính”. Thực tế người dân chẳng ai muốn đi khiếu kiện, bởi nó phiền hà, rắc rối, mất tình nghĩa, nhưng có lẽ cực chẳng đã đẩy họ vào nghịch cảnh không thể không khiếu nại. Những câu chuyện rớt nước mắt như: dự án treo làm nhà thì không được phép, sửa thì không song, hay câu chuyện vẫn còn nóng hiện nay là xin giấy khai tử….Và những cán bộ làm sai không bị xử lý vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, có chăng cũng chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc... Tất cả những điều đó làm cho người dân trong tâm trạng rất bức xúc, đứng ngồi không yên, không giữ được bình tình, thậm chí “nói tục”, “chửi thề” là không tránh khỏi. Có lẽ sẽ còn nhiều trường hợp phiền toái cho người dân mà chưa thể nêu ra hết ở đây, nhưng những ví dụ trên là điển hình của cán bộ, đảng viên xa dân, thơ ơ vô cảm với dân rất cần có “thuốc” đặc trị căn bệnh này.

(còn nữa)

Nguyễn Minh