Xã A Ngo (huyện Đakrông) triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cột mốc, đường biên giới quốc gia 

Xã A Ngo là một trong 05 xã biên giới của huyện Đakrông, nơi có cửa khẩu Quốc tế La Lay, địa bàn giáp ranh nước bạn Lào với 14,7 km đường biên giới, có 4 cột mốc biên giới (từ cột mốc 634-637), là địa bàn thường xuyên diễn ra các hoạt động giao thương, xuất - nhập cảnh giữa hai bên biên giới Việt - Lào. Với những đặc điểm trên; thì A Ngo được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng- an ninh của huyện Đakrông nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Sớm nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã A Ngo luôn xem công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cột mốc, đường biên giới Quốc gia là một trong những nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của địa phương.

Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã A Ngo đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cột mốc, đường biên giới Quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn như Đồn Biên phòng của khẩu Quốc tế La Lay, cụm cơ động 4, đồn công an Tà Rụt thực hiện công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa Chỉ thị 01-CT/TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Vận động quần chúng, đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; trong đó, chú trọng phát huy tính hiệu quả của mô hình “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các hiệp định, quy chế khu vực biên giới và những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới… Giáo dục tinh thần cách mạng trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá Đảng và Nhà nước. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả như: thông qua tổ chức hội nghị, lồng ghép qua các hoạt động của các tổ chức đoàn thể; trên hệ thống truyền thanh của xã; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, sinh hoạt Chi bộ, các buổi tập huấn, hội nghị tuyên truyền pháp luật, cử cán bộ đến trực tiếp từng hộ dân ở các thôn để tuyên truyền … cử nhiều cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về quốc phòng - an ninh do cấp trên tổ chức; thường xuyên thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho đối tượng 4 và lực lượng dân quân tự vệ; thực hiện chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng xây dựng mô hình “tiết học biên giới” để giới thiệu cho các em học sinh về biên giới Quốc gia và những nội dung cần làm để bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức để thực hiện chính sách phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; hạn chế tối đa tình trạng người dân nghe theo kẻ xấu thực hiện các hành vi buôn lậu, buôn bán ma túy hoặc tham gia các tôn giáo không lành mạnh, tình trạng du canh, du cư cũng được hạn chế. Bên cạnh đó, việc duy trì các hoạt động văn hóa giúp giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng tạo niềm phấn khởi cho nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền.

Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Với điều kiện đặc thù là xã biên giới có điều kiện địa hình phức tạp, do đó để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ Tổ quốc, địa phương đã chủ động xây dựng và phát triển lực lượng công an, quân sự tại địa phương, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đảm bảo chất lượng; thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn; phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tại địa phương bằng việc thường xuyên phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, phong trào tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị địa phương, chủ quyền biên giới Quốc gia. Xây dựng các tổ tự quản an ninh trật tư thực hiện theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới; định kỳ phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc có sự tham gia của người dân, bình quân 8 - 10 lần/năm; thực hiện giao khoán rừng đầu nguồn cho nhân dân quản lý theo quy định để nhân dân trực tiếp sản xuất góp phần thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Trên đường tuần tra biên giới

Thực hiện duy trì thường xuyên nội dung giao ban bản - bản hai bên biên giới giữa bản La Lay Việt và La Lay Lào; qua đó nắm bắt được tình hình dân cư hai bên biên giới, kịp thời ngăn chặn phát sinh những vấn đề gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, đảm bảo ổn định về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; các điều kiện cần thiết khác cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ổn định dân cư, hạn chế tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên, di dân tự do. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với sự ổn định về an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, tình hình kinh tế - xã hội xã A Ngo đã có nhiều bước chuyển biến rõ rệt: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,35% mỗi năm; có 7/7 thôn đạt thôn văn hóa trong đó có 3/7 thôn đạt văn hóa cấp tỉnh; tính đến hết năm 2020 xã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới; trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình trồng ngô lai, mô hình trồng chuối Tiêu hồng, mô hình trồng chuối Mật mốc, mô hình trồng nghệ, mô hình chăn nuôi bò, nuôi dê nhốt, mô hình nuôi ngan đen, mô hình nuôi gà bản... Công tác trồng rừng sản xuất đã được bà con chú trọng quan tâm và đang mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định. Minh Phước

1272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 983
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 983
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007185