WHO khuyến nghị Việt Nam đóng góp kinh nghiệm đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu 

(Chinhphu.vn) - WHO đánh giá, cách thức ứng phó COVID-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện. WHO đang đàm phán một hiệp định mới để chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp vào thảo luận trên phạm vi toàn cầu, từ kinh nghiệm của mình trong việc đẩy lùi COVID-19.
Việt Nam là hình mẫu trong cách thức ứng phó COVID-19 - Ảnh 1.

TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chúc mừng những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/HM

 Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong phòng chống dịch, chúng ta đã phát huy rất tốt mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". 

Chúng ta đã "đi sau về trước" trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022. Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh…

"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực", Thủ tướng khẳng định.

Chúc mừng những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch COVID-19, TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cũng là nước phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, đặc biệt, cách thức ứng phó COVID-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện.

Cụ thể, Việt Nam đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt các biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả.

"Nước các bạn có năng lực phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra, truy vết và ứng phó rất nhanh chóng; biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa. Các bạn cũng có ưu thế tuyệt vời nhờ đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và trình độ cao, có tinh thần yêu nước; những nỗ lực để có được vaccine, triển khai chiến dịch vaccine thần tốc; sự nhiệt tình tham gia của toàn xã hội vào việc ứng phó và quan trọng nhất là vai trò chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, cũng như Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các cơ sở", TS. Angela Pratt chia sẻ.

Đặc biệt, sau khi tiếp cận được vacine COVID-19, Việt Nam đã triển khai một chiến dịch bao phủ vacine khẩn cấp, bao gồm nỗ lực đưa vacine tiếp cận được mọi nơi, mọi người trên toàn quốc. WHO tự hào được đồng hành hỗ trợ các nỗ lực này, cùng với các đối tác khác, như UNICEF. Chiến dịch triển khai vaccine này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại.

"Thay mặt WHO, tôi xin đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Y tế và các nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác của các bạn", TS. Angela Pratt nhấn mạnh.

Việt Nam là hình mẫu trong cách thức ứng phó COVID-19 - Ảnh 2.

Việt Nam đã triển khai chiến dịch bao phủ vacine khẩn cấp, bao gồm nỗ lực đưa vacine tiếp cận được mọi nơi, mọi người trên đất nước - Ảnh: VGP/HM

Chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19

Ngày 10/5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì dịch COVID-19. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Tuy nhiên, bà Angela Pratt cũng cho biết, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn, COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan và xuất hiện những biến chủng mới, vẫn có những ca nhiễm bùng phát trở lại.

Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia thành viên của WHO đang đàm phán một hiệp định mới để chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Vì vậy, WHO khuyến khích Việt Nam tiếp tục đóng góp vào thảo luận trên phạm vi toàn cầu, từ kinh nghiệm của mình trong việc đẩy lùi COVID 19.

Ở cấp độ khu vực, các quốc gia thành viên cũng đã thông qua Khung hành động an ninh y tế châu Á-Thái Bình Dương mới để định hướng hành động tập thể trên toàn khu vực.

Ở cấp độ quốc gia, WHO sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác liên quan hỗ trợ Việt Nam, bao gồm việc rà soát và cập nhật kế hoạch ứng phó với đại dịch để Chính phủ phê duyệt trên cơ sở diễn đàn quốc gia về đại dịch. Đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta củng cố hệ thống y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu trong tương lai.

Nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, bao gồm trong tình trạng khẩn cấp.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch. Triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành. Nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch…

Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần. 

Tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm.

HM

85 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 567
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 567
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221829