WHO, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam ứng phó mưa lũ 

(Chinhphu.vn) - WHO vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp 320.000 viên lọc nước cho 6 tỉnh miền Trung. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cũng công bố một khoản viện trợ ứng phó thiên tai ban đầu trị giá 100 nghìn đô la hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, TS. Kydong Park, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chấp hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế về việc hỗ trợ viên lọc nước để làm sạch nước (Aquatabs) cho 6 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi).

Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét tình hình hiện tại của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn vừa qua và số lượng Aquatabs hiện có trong kho dự trữ của WTO, WTO quyết định hỗ trợ khẩn cấp 320.000 viên Aquatabs cho 6 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi.

Dự kiến hàng sẽ về Việt Nam vào thứ hai tuần sau và sẽ được chuyển ngay tới các tỉnh với số lượng đề xuất: Quảng Bình 32.000 viên; Quảng Trị 64.000 viên; Quảng Nghãi 64.000 viên; để lại Văn phòng Thường trực Bộ Y tế 32.000 viên.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức và các đối tác khác của Liên Hợp Quốc để huy động thêm số lượng Aquatabs hỗ trợ người dân miền Trung.

* Ngày 17/10, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink công bố một khoản viện trợ ứng phó thiên tai ban đầu trị giá 100 nghìn đô la.

Khoản viện trợ này sẽ được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp tại các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Linfa.

Bão Linfa là cơn bão số 6 tại Việt Nam trong năm 2020 và đổ bộ vào đất liền ngày 11/10. Tiếp sau đó, bão Nangka (bão số 7) cũng đổ bộ vào các tỉnh đông bắc Việt Nam ngày 14/10. Tính đến ngày 15/10, lũ lụt đã gây ảnh hưởng tới 136.000 hộ gia đình, làm 40 người thiệt mạng, 15 người bị thương và 29 người mất tích, theo thông tin từ Tổng Cục Phòng, chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội Chữ thập đỏ Mỹ. Ngoài ra, 150.000 người đã phải sơ tán và đã có những báo cáo về thiệt hại lớn do bão gây ra đối với hệ thống giao thông và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Đối tác của Cơ quan USAID về Viện trợ Nhân đạo là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang ở tuyến đầu trong công tác ứng phó và đã huy động các đội phản ứng nhanh được thành lập và tập huấn thông qua các dự án đang triển khai của USAID về giảm thiểu rủi ro thiên tai để hỗ trợ công các tác sơ tán, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn cấp.

“Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất tới người dân Việt Nam trước những thiệt hại về con người, về tài sản và mất nhà cửa do lũ lụt tại miền Trung gây ra. Chúng tôi sát cánh bên Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong lúc này, khi các bạn tưởng nhớ những người thân yêu và khắc phục các thiệt hại do trận lũ lụt tồi tệ này gây ra, và rồi bước tiếp, như cách mà con người Việt Nam vẫn luôn như vậy. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các bạn trong công việc tái thiết,” Đại sứ Kritenbrink chia sẻ.

“Tôi cũng muốn bày tỏ sự quan tâm đối với người khuyết tật tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão vì họ thuộc những nhóm dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xẩy ra. Họ thường ở nhà, ít tiếp cận thông tin hơn và không thể hưởng lợi đầy đủ đầy đủ từ các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và các quy trình sơ tán,” ông cho biết thêm.

Ước tính, các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Linfa có trên 200.000 người khuyết tật sinh sống, trong đó có 61.000 người khuyết tật bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt thiên tai này.

Kể từ năm 2000, USAID, thông qua Cơ quan USAID về Viện trợ Nhân đạo, đã cung cấp trên 26 triệu đô la hỗ trợ Việt Nam ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Thông qua Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã cung cấp hơn 28 triệu đô la kể từ năm 1998 để tập huấn cho các cán bộ ứng phó khẩn cấp là quân nhân và dân sự và thành lập và cung cấp trang thiết bị cho các trung tâm phòng, chống thiên tai, các trung tâm ứng phó sự cố hàng hải và nhà tránh, trú phòng chống thiên tai ở cộng đồng. USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ thiên tai của Việt Nam và đang có các kế hoạch cung cấp viện trợ bổ sung./.

188 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 946
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 946
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208425