WB: Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) – Sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Việt Nam phụ thuộc vào việc có được một nền kinh tế có khả năng chống chịu trước các xu hướng thay đổi lớn và tận dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 đang diễn ra tại Hà Nội đã nêu ra 4 xu hướng chính đã diễn ra trên thế giới, những thách thức Việt Nam phải đối mặt và đưa ra các khuyến nghị.

 

 

 

 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bên cạnh những xu hướng phát triển về công nghệ, tri thức… thì còn là những biến động khó lường và sự bất định luôn thường trực. Những thay đổi đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Việt Nam.

 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB cho biết, có 4 sự thay đổi lớn đang diễn ra: hình thái thương mại mới; nền kinh tế tri thức; xu hướng biến đổi khí hậu và dân số đang già đi. Các xu thế này mang đến cả rủi ro và cơ hội.

 

Trong đó, riêng về thương mại, Việt Nam đã được hưởng lợi từ một khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh, trực tiếp sử dụng 2,4 triệu người lao động để tạo ra thị trường hàng hóa lớn cho hoạt động thương mại.

 

Tuy nhiên, các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar… đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút việc làm trong các ngành sản xuất chỉ cần tay nghề thấp.

 

Về nền kinh tế tri thức, sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức và tự động hóa cũng là cơn sóng mạnh đòi hỏi người lao động thế kỷ 21 phải có nhóm kỹ năng phức tạp hơn trước đây. Trong khi đó, Việt Nam với hơn 8% lực lượng lao động có trình độ đại học, chưa đủ để tạo bước nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức.

 

Đại diện WB lưu ý, xu hướng tự động hóa do máy móc đang đảm nhận các công việc thủ công và lặp lại, cùng với đó là nhu cầu ngày càng lớn của một lớp người tiêu dùng ngày càng đông đối với các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao. Ví dụ, nhu cầu về lao động chân tay sẽ ít hơn, thay vào đó, người lao động với nhiều kỹ năng kiến thức chuyên sâu, chẳng hạn như hiểu biết về máy tính hay ngành logistics.

 

Trong khi một nền kinh tế tập trung công nghệ có tiềm năng mở ra cơ hội gia tăng việc làm có chất lượng tốt hơn thì người lao động cần được trang bị bộ kỹ năng hợp lý.

 

Về vấn đề khí hậu, Việt Nam cũng đang đối mặt với rủi ro lớn với một số diễn biến phức tạp của khí hậu, ngập mặt các vùng canh tác.  Sinh kế của 13,6 triệu nông dân trồng lúa đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu.

 

Việt Nam cũng phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050, nghĩa là cứ 5 người thì có một người là người cao tuổi.

 

Những thay đổi trên có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn và đến lao động nữ, do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi.  

 

Từ những vấn đề đã nêu, Giám đốc WB đặt vấn đề, Việt Nam đang bỏ lỡ hay tận dụng các xu hướng lớn?

 

Đại diện WB cho rằng, Việt Nam có 4 loại vốn nội tại của quốc gia. Đó là thể chế, con người, vật chất do con người tạo ra và tự nhiên.

 

Thể chế là thành phần tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tăng trưởng. Vốn thể chế liên quan đến việc xây dựng khả năng chịu đựng cho kinh tế vĩ mô trong khi khuyến khích cải cách cơ cấu cho tăng trưởng dựa trên năng suất. Đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi phải xác định và hỗ trợ các động lực mới của tăng trưởng, đưa ra các chiến lược phát triển FDI và thị trường vốn có hướng tới tương lai và được xây dựng dựa trên thông tin đầy đủ.

 

Nguồn nhân lực là tổng hòa các yếu tố sức khỏe, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và thói quen của dân số. Vốn nhân lực có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của một quốc gia, đặc biệt tại thời điểm có sự thay đổi nhanh chóng đòi hỏi số lượng người giỏi ngày càng tăng để duy trì tăng trưởng. Đại diện WB khuyến nghị người lao động cần được trang bị các kỹ năng mới, gắn thực chất hơn tới nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng.

 

Đối với thách thức từ biến đổi khí hậu, cần phải có sự chuyển dịch, chuyển đổi ngay trong sản xuất và kinh doanh hướng tới đa dạng hóa sản phẩm, tối đa hóa giá trị từ mỗi nguồn lực trong chu kỳ sản xuất...

Thứ ba là vốn vật chất hoặc do con người tạo ra là "xương sống" của một nền kinh tế và bao gồm đường xá, cầu, cảng, nhà xưởng, hệ thống thủy lợi và đất đô thị. Mục tiêu ở đây là phát triển và triển khai có hiệu quả các loại vốn vật chất hoặc do con người tạo, tối đa hóa vai trò của khu vực tư nhân và đảm bảo rằng dịch vụ phù hợp với nhu cầu.
 

“Cần phải tính đến các tác động của thay đổi công nghệ, bao gồm giá năng lượng mặt trời sẽ thấp hơn, hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn chạy không có xung đột, lưới điện thông minh và các cơ hội mới cho kinh tế tuần hoàn và chia sẻ”, Giám đốc WB nói.

 

Riêng trong hoạt động thương mại, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam nên tận dụng các thỏa thuận thương mại mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP), đồng thời tận dụng lợi thế của nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa gia công của một lớp người tiêu dùng đang lớn mạnh ở châu Á. Việt Nam cần lưu ý về thông tin tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập để tiêu dùng thêm ở các nước đang phát triển ở châu Á được dự báo tăng nhanh, từ 20% năm 2002 lên 80% vào năm 2030. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí, và điều này sẽ chỉ tăng trong những năm tới.

 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là vốn tự nhiên, bao gồm đất nông nghiệp, rừng và các khu bảo tồn trên cạn, cũng như năng lượng và khoáng sản. Ở đây, mục tiêu là sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn vốn tự nhiên, điều chỉnh giá cả và các ưu đãi để tạo ra khả năng phục hồi khí hậu, và định hướng quốc gia vào quỹ đạo phát triển carbon thấp hơn đáng kể.

 

“Chúng ta phải giảm chi phí phát triển tất cả các loại vốn, cần bảo đảm rằng mọi người đều có quyền tiếp cận và chúng ta phải tạo ra chất lượng cao nhất có thể. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia các xu hướng lớn một cách chiến lược”, ông Ousmane Dione nói.

 

  Huy Thắng

417 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1242
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1242
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165668