Vướng luật: Công trình thiếu vốn, tiền nằm trong kho 

(Chinhphu.vn) - Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng có những quy định “quả trứng con gà” trong Luật Đầu tư công, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương đang than phiền về những bất cập trong quá trình thực thi Luật này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Tuy mới có hiệu lực chưa lâu, nhưng bên cạnh các điểm tích cực, những vướng mắc trong Luật chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm nay.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/6, tổng số vốn đầu tư công đã thanh toán mới đạt 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017. Trong khi đó, vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng.

 

Những vướng mắc trong thủ tục phê duyệt dự án đang ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Than phiền từ các địa phương

Theo UBND Thành phố Đà Nẵng, tới ngày 30/6, địa phương mới giải ngân được gần 25% kế hoạch được giao từ đầu năm. Bên cạnh khâu “kẹt nhất” là đền bù, giải phóng mặt bằng, thì theo địa phương này, thủ tục còn giao vốn cũng rất rườm rà. Dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

Đặc biệt, theo Đà Nẵng, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ngay từ đầu năm đã giao kế hoạch vốn, nhưng tới ngày 28/4 Bộ mới giao vốn chi tiết. Trong khi Đà Nẵng có rất nhiều công trình, dự án lớn cũng phải chờ các dự án nhỏ, nên tiến độ chung bị kéo chậm lại. Tính ra, các địa phương phải ít nhất 3 lần chờ phê duyệt từ Trung ương mới được triển khai dự án.

Còn UBND TP Hồ Chí Minh cho biết “đang rất vướng” với việc các dự án phải điều chỉnh liên tục nhưng cứ điều chỉnh là phải xin phép Hội đồng Nhân dân, trong khi Hội đồng Nhân dân 1 năm chỉ họp có 2 kỳ.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, một vướng mắc là với các gói tư vấn thiết kế thi công – dự toán có giá trị trên 500 triệu đồng, chủ đầu tư cũng phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, trong khi trước đây gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng và gói thầu tư vấn dưới 3 tỷ đã được chỉ định thầu. Điều này dẫn tới thời gian kéo dài hơn so với trước đây.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, việc giải ngân nguồn vốn đạt thấp là do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Cụ thể là đến nay, Vĩnh Phúc chưa kiện toàn được Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án xây dựng khu vực nên có nhiều dự án đã có mặt bằng, được bố trí vốn nhưng không thể triển khai được, nhất là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Cùng với đó, muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án khác có khả năng đẩy nhanh tiến độ thì phải báo cáo và xin phép Bộ Kế hoạch Đầu tư, rất mất thời gian.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu thừa nhận quy trình phân bổ vốn đầu tư công hiện nay “quá ôm đồm”. Việc thiết kế Luật Đầu tư công là nhằm mục tiêu tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, “kiểm soát từng đồng tiền thuế của dân”, nhưng thực thi lại vướng mắc.

“Cần tăng cường phân cấp cho các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hậu kiểm thôi, nếu Bộ không phản đối thì cứ tự động làm. Có nên quy định Thủ tướng Chính phủ có giao kế hoạch vốn từ A đến Z, từ dự án nghìn tỷ đến mấy trăm triệu hay không. Các dự án của các tổ chức chính trị-xã hội có giá trị vài tỷ đồng có cần phải Thủ tướng duyệt không?”, ông Thu bày tỏ quan điểm.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay vì quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn từ A đến Z như hiện nay, chỉ nên quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch với các dự án lớn, quan trọng và có thể phê duyệt thêm danh mục khởi công mới. Ông Thu cũng thừa nhận bất cập trong việc “xử lý nguồn vốn từ năm trước sang năm sau, vẫn ở đơn vị đó mà cũng phải lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mất tới 6 tháng”.

Cùng với đó là quy trình thủ tục với dự án lớn cũng tương tự như với dự án nhỏ, trong khi lẽ ra chỉ những dự án lớn mới cần báo cáo tiền khả thi, còn dự án nhỏ thì chỉ cần báo cáo kinh tế- kỹ thuật…

Bà Mai Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ôm hết” khiến quy trình đầu tư, giải ngân kéo dài, trong khi “ôm hết về cũng không làm được”.

Dự án có trước hay nguồn vốn có trước?

Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề trong triển khai Luật Đầu tư công. Trong đó, phát sinh chuyện “con gà, quả trứng”, lúng túng và chưa thống nhất trong khâu xử lý trong xây dựng danh mục dự án đầu tư công.

Cụ thể: khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn. Nhưng, ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư 1 dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn.

“Hệ quả của vấn đề này là mất rất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận và hoàn thiện thủ tục của các dự án đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Được biết, để kịp thời khắc phục những bấp cập trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Đầu tư công cho các địa phương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Theo công văn này, có tới 12 nhóm vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận các phản hồi từ các địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các quy định tại Nghị quyết số 60 của Chính phủ.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt; ủy quyền cho phép các bộ, ngành địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn hoặc đề nghị điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn được giao phù hợp với tiến độ thực hiện dự án trên tinh thần đúng thẩm quyền và ưu tiên vốn cho các dự án kết thúc trong năm 2017 và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật Đầu tư công về quy trình riêng áp dụng đối với dự án ODA và vay ưu đãi nhằm tinh giản thủ tục, giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra…

Hà Chính

421 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1161
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1161
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76394275