Vườn rau canh tác theo phương pháp tự nhiên ở Quảng Trị 

Hiện, sản xuất rau đang sử dụng phân bón hóa học, gây ô nhiễm môi trường, tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Do đó, Dự án Tầm nhìn Thế giới đã hỗ trợ Quảng Trị phương pháp canh tác tự nhiên, đảm bảo an toàn.

Ông Đào Văn Đức, Trưởng Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong, đã đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau theo phương pháp canh tác tự nhiên (CTTN) của chị Hoàng Thị Yến thôn An Trú, xã Triệu Tài, một trong những vườn “rau mẫu” của địa phương.

v-rau-3333-tu-nhien.jpg

 Tiến sỹ Chang Pyo Lee (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn canh tác rau phương pháp tự nhiên

Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã thấy màu xanh của những luống rau đa màu sắc, nhiều chủng loại. Xen giữa vườn cà lúc lĩu quả là những luống rau dền đỏ mơn mởn đang độ thu hoạch; những luống gừng vừa mới nhú mầm, xen kẽ với rau lang, cải, xà lách, rau thơm.

Chị Yến cho biết, khoảng giữa năm 2015, chị cùng 4 hộ trong thôn, được Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong chọn thực hiện mô hình trồng rau, nuôi gà sạch theo phương thức CTTN, do tiến sĩ Chang Pyo Lee, người Hàn Quốc chuyển giao.

Ban đầu, khi được tập huấn trồng rau sạch CTTN, không sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học, hay chất kích thích sinh trưởng, thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ hoai mục (phân compost), được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, cây phân xanh và phân động vật… và các chế phẩm dinh dưỡng lên men vi sinh; thuốc trừ sâu bệnh là gừng, tỏi, ớt, thuốc lá … chị các hộ khác đều cảm thấy không chắc chắn, mơ hồ, chưa hình dung ra là sẽ làm như thế nào.

Vì vậy, khi chương trình mới triển khai, chị chỉ dám đăng ký làm thử với diện tích 200m2 . Sau khi được hướng dẫn tận tình việc thực hiện các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc, ủ phân compost chị bắt đầu cảm thấy cuốn hút và làm theo.

Kết thúc vụ rau đầu tiên, chị thấy khoảnh rau CTTN phát triển tốt, không có sâu bệnh. Rau không xanh mướt như trước đây, nhưng ăn đậm đà, bảo quản lâu hơn, và đặc biệt không sử dụng phân bón, thuốc BVTV, gây độc hại cho người sản xuất. Từ đó, chị mạnh dạn áp dụng cho 1.000m2 rau.

Khi được hỏi về hiệu quả CTTN, chị cho biết: “Luống đất này, khi canh tác thông thường, chủ yếu sử dụng phân hóa học, rau xanh tốt nhưng không bền, dễ héo nhũn, chết rục, chỉ thu hoạch 2 - 3 lứa là tàn.

Trong khi CTTN cây không xanh đậm, nhưng khỏe mạnh, cứng cáp, cho nhiều lứa quả, vị ngọt thơm, đậm đà hơn, và không bị chết rục. Được người tiêu dùng ưa chuộng. Luống cà này tôi thu hoạch từ tháng 3 đến nay, bình quân 3 - 5 ngày hái 1 lần, được khoảng 20 - 25 kg.

Giá bán dao động 5 - 7.000 đồng/kg, đem lại khoản thu nhập không nhỏ, ước tính, hết vụ sẽ được 5 - 6 triệu đồng. Còn tính từ lúc áp dụng CTTN  đến nay, mỗi năm thu nhập trên 30 triệu đồng”.

 Hiện, vườn rau nhà chị Yến mùa nào cũng xanh tốt. Trước đây trồng rau, cứ phát hiện sâu bệnh là sử dụng thuốc BVTV. Mặc dù có áo quần bảo hộ, nhưng phun xong vẫn mệt lả cả người.

 Trong khi CTTN, thuốc trừ sâu bệnh được tạo ra từ gừng, tỏi, ớt... lên men, an toàn cho người và môi trường. Khi đang phun luống rau bên này, luống bên cạnh vẫn thu hoạch để bán bình thường.

 “Sau khi biết rau của tôi CTTN thì nhiều người đã tới vườn mua, nhiều lúc không đủ bán. Đồng thời, được Cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong, T.phố Đông Hà đặt hàng theo kế hoạch để cung cấp cho cửa hàng, giá cao hơn so thị trường 20%”, chị Yến cho hay.

 Trao đổi về hướng làm ăn thời gian tới, chị Yến cho biết, bên cạnh việc tiếp tục sản xuất rau theo phương pháp CTTN, chị đã đề xuất với Chương trình, hỗ trợ xây dựng nhà màng nilon đơn giản, để trồng rau quanh năm, hạn chế được sâu bệnh.

 Đồng thời liên kết sản xuất, xây dựng chứng nhận sản phẩm để có giá bán cao hơn, tương xứng với chất lượng, công sức chăm bón, có nơi tiêu thụ ổn định để người dân an tâm sản xuất.

 “Hiện, tôi đang chuẩn bị vật liệu làm thử nghiệm nhà màng nilon kín, trên 2 luống rau, diện tích 40 m2, nếu hiệu quả sẽ nâng lên 300 - 500m2, để khép kín, liên vụ, có rau sạch quanh năm cung ứng cho cửa hàng Nông sản sạch và người tiêu dùng ổn định”, chị Yến cho biết.

 Theo ông Đào Văn Đức, đến nay đã có 6 nhóm chuyên sản xuất rau theo phương pháp CTTN tại 4 xã: Triệu Thượng, Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Trạch với tổng diện tích 20.000m2.

 Trong đó có 2 nhóm ở 2 xã Triệu Tài và Triệu Thượng, đã sản xuất quy mô tập trung 10.000 m2. So với ban đầu, khi mới thực hiện mô hình chỉ có 5 nhóm, với diện tích 1.000 m2, thì nay đã gấp 20 lần

 Ông Đức nhấn mạnh, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV rất phổ biến trong sản xuất rau. Do người dân không hiểu rõ về các loại thuốc, hoặc sử dụng theo giới thiệu của người bán, dẫn đến sử dụng thuốc cấm, quá liều lượng, thời gian cách ly không đảm bảo, đây chính là nguyên nhân các vụ ngộ độc rau quả.

Trong khi CTTN, người trồng nói không hoàn toàn với phân bón, thuốc BVTV hóa học, chủ yếu ứng dụng công nghệ vi sinh, nhân các vi sinh vật có lợi trong đất để lên men, và làm ra các chế phẩm vi sinh tưới cho cây đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

 Theo đó, để rau phát triển tốt, nông dân chỉ cần sử dụng các chế phẩm tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng... lên men. Còn để trừ sâu bệnh, thì sử dụng  gừng, ớt, tỏi… lên men.

 “Từ kết quả trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình ra các xã trong và ngoài vùng dự án, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Đức cho hay.

608 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 774
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 774
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87030305