Mong muốn của Chủ tịch nước là những con bò này sẽ là “vốn liếng, tài sản” giúp các hộ chăn nuôi từng bước thoát nghèo.
Món quà ý nghĩa
Trở lại xã Vĩnh Thạch hôm nay, ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã hồ hở thông báo, đàn bò nay đã sinh sôi thành 193 con. Sau khi nhận món quà, xã Vĩnh Thạch đã thống nhất cấp cho 50 hộ nghèo mỗi hộ 2 con bò giống. Nhờ giống bò tốt và bà con tận tụy chăm sóc nên chỉ một năm sau, nhiều con bò nái đã sinh sản. Bây giờ, người dân Vĩnh Thạch gọi đàn bò này là “Bò xóa nghèo của Chủ tịch nước”.
|
Bò xóa nghèo của Chủ tịch nước nuôi tại một gia đình ở xã Vĩnh Thạch |
Gia đình anh Phan Ngọc Tiến ở thôn An Đông được nhận một đôi bò, anh mừng lắm. Hàng ngày, vợ chồng anh chăm sóc cặp bò theo kiểu nuôi nhốt, trồng cỏ ngoài vườn rồi cắt vào cho bò ăn. Chỉ một năm sau con bò cái đã sinh một con bò con rất đẹp. Đến nay sau bốn năm đã có 4 con bò con được đôi bò mẹ sinh ra. Năm trước anh Tiến đã bán bớt một con bò đực trong đàn với giá 28 triệu đồng để sửa lại nhà cửa. Hiện gia đình anh còn giữ lại 5 con bò để nuôi, đợi khi bò lớn lên sẽ bán dần kiếm tiền đầu tư vào những công việc cần thiết khác.
Ở thôn Xóm Bợc, gia đình anh Trần Phú Thạnh lần ấy cũng nhận được 2 con bò. Nhờ biết cách chăm sóc nên bò mau lớn và đến nay đã sinh được 4 con bò nữa. Anh Thạnh bán bớt 1 con bò để sắm dụng cụ giúp anh làm nghề thợ hàn gò. Từ ngày có tiền sắm đồ gò hàn, có dụng cụ hành nghề, nhận được công việc nhiều hơn, anh Thạnh có thêm thu nhập.
Trước đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Thạnh không có tiền để mua bò chăn nuôi. Đang mơ ước có bò nuôi để thoát nghèo thì nhận được quà của Chủ tịch nước. Đứng nhìn đàn bò, anh Thạnh không quên cảm ơn sự giúp đỡ đầy ân tình của lãnh đạo Nhà nước đối với người dân nghèo Vĩnh Thạch.
Quay vòng bò
Ngoài những hộ nghèo được giúp một đôi bò làm giống, để tạo điều kiện cho những hộ cận nghèo được nuôi bò xóa nghèo của Chủ tịch nước, UBND xã Vĩnh Thạch đã sáng kiến theo hình thức quay vòng nuôi bò. Cụ thể, mỗi gia đình thuộc hộ nghèo khi được chương trình cho đôi bò để nuôi, đến khi bò trưởng thành sinh ra con bò con đầu tiên được một tuổi thì sẽ chuyển cho hộ cận nghèo nuôi con bò một tuổi ấy.
Việc làm này xem như các hộ nghèo được nuôi một đôi bò giống ban đầu chỉ cần chia sẻ cho các hộ cận nghèo một con bò giống. Sau đó còn lại bao nhiêu con bò giống được sinh ra và cả bò mẹ nữa thì đều thành tài sản của hộ nghèo. Và họ sẽ nuôi đàn bò này nhân lên cho đến khi hết nghèo rồi phát triển kinh tế bền vững.
|
2/6 con “bò xóa nghèo” của gia đình anh Trần Phú Thạnh |
Ông Nguyễn Viết Sinh giải thích, hộ cận nghèo cũng cần được nuôi bò để phát triển kinh tế. Nhưng vì ban đầu số lượng bò xóa nghèo của Chủ tịch nước chưa đủ để tặng nên xã đã linh động quay vòng để kịp thời động viên các hộ cận nghèo.
Chúng tôi gặp gia đình anh Trần Như Vinh ở thôn An Đông, là hộ cận nghèo. Năm trước anh nhận được một con bò của chương trình chia sẻ cho gia đình theo hình thức quay vòng. Vì cận nghèo nên trước đó anh Vinh chưa đủ điều kiện để nhận 2 con bò của Chủ tịch nước tặng. Anh Vinh cho biết những gia đình cận nghèo như anh rất vui khi thấy UBND xã Vĩnh Thạch linh hoạt, tạo điều kiện cho các hộ có thêm điều kiện chăn nuôi để xóa nghèo.
Hình thành đồng cỏ
Ông Trần Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, từ khi có bò xóa nghèo của Chủ tịch nước, định kỳ 2 tháng một lần hội sẽ đến từng gia đình trong chương trình để kiểm tra cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Cùng với việc nuôi bò, tại Vĩnh Thạch đã hình thành được mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt với trung bình mỗi thôn có đồng cỏ 3ha, diện tích đồng cỏ đến nay lên đến 30ha. Các hộ nông dân cũng được tập huấn phương pháp chăn nuôi bò sinh sản.
Ông Hải chia sẻ mong ước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày đó nay đã trở thành hiện thực. Toàn bộ những hộ nhận bò tặng nay đã từng bước thoát nghèo, họ xem đàn bò như tài sản quý báu.
Ông Nguyễn Viết Sinh cho biết Vĩnh Thạch là một trong ba xã của cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỗ trợ xây dựng NTM. Từ năm 2014, nhờ làm tốt chương trình xây dựng NTM nên Vĩnh Thạch đã được công nhận đạt chuẩn. Xã xem việc phát triển chăn nuôi bò như một điểm nhấn trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Quá trình xây dựng NTM đã đưa Vĩnh Thạch từ một địa phương khó khăn trở thành điểm sáng về phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Trị. Đến cuối năm 2014, Vĩnh Thạch có thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ với 100% đường liên thôn, liên xã, nội thôn được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% khu dân cư có hệ thống điện đường; Trạm y tế, trường học, chợ đều đã được xây mới.
Vĩnh Thạch huy động được nguồn lực vật chất lớn nhất so với các xã xây dựng NTM trong tỉnh với tổng số vốn đạt gần 170 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 55,5 tỷ đồng. Hiện thu nhập trung bình người dân Vĩnh Thạch đạt 35 triệu đồng/năm.
|
LÂM QUANG HUY