Vững vàng trước cú sốc lớn nhất nhiều thập kỷ 

(Chinhphu.vn) – Càng về cuối năm, các nhận định tích cực từ cộng đồng quốc tế về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và triển vọng phát triển sắp tới càng được khẳng định chắc chắn hơn.
Theo WB, Việt Nam đã đạt thành tích gần như “độc nhất vô nhị” trong kiểm soát COVID-19 và nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới.

Dự kiến đầu tuần tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đây là sự kiện lớn được tổ chức hằng năm, nhưng lần này, Hội nghị sẽ không chỉ tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2020, mà còn nhìn lại cả chặng đường 5 năm qua.

Liên tiếp trong 4 năm 2016-2019, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Riêng năm 2020 – một năm rất đặc biệt, đúng như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, là năm chỉ số niềm tin của nhân dân lên cao nhất.

Lời chúc an lành dịp Giáng sinh

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2020 vừa diễn ra ngày 22/12 tại Hà Nội, trước nhiều đại biểu nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ, lễ Giáng sinh năm nay nhiều người không về nước hoặc đi ra nước ngoài để đón ngày lễ đặc biệt này. “Các bạn hãy coi Việt Nam chính là ngôi nhà thứ 2 và chúng ta sẽ cùng nhau có một Lễ Giáng sinh ấm áp, an toàn và nhiều niềm vui”, Bộ trưởng nói.

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Chính phủ với các địa phương lần này là thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 năm 2021, Nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho chỉ đạo, điều hành cả năm 2021, năm khởi đầu của giai đoạn 5 năm tới.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển. Lưu ý vấn đề mà người dân quan tâm là an toàn, việc làm và thu nhập, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ hướng về người dân, lo cho người dân, thu hút đầu tư phát triển với môi trường đầu tư thuận lợi. 

Trước đó, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc Liên minh VBF, ông Hong Sun, đồng Chủ tịch VBF cũng cho rằng khi COVID-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp tại châu Âu và Mỹ, nhưng Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch, điều này góp phần giúp Việt Nam bắt đầu phục hồi nền kinh tế sớm hơn các nước khác và là một lợi thế vô cùng quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư.

Thực tế, trong khi dịch COVID-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng xuống, các hoạt động mừng Giáng sinh ở nhiều quốc gia vẫn bị hạn chế do yêu cầu giãn cách chống dịch, thì Việt Nam đã bước vào trạng thái bình thường mới. Mới đây, một tờ báo ở Đức – một trong những quốc gia từng được đánh giá cao nhất châu Âu về khả năng xử lý dịch COVID-19 hồi đầu năm, nay đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục – đã nhắc tới sự kiện Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM vừa trình diễn vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" của Tchaikovsky để mở màn cho chương trình mùa Đông, với khách vào rạp được đo thân nhiệt và được yêu cầu khử trùng tay, đeo khẩu trang.

Trước phát biểu trên của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một ngày, trong "Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" công bố ngày 21/12, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định không chỉ kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp quyết liệt, sáng tạo, Chính phủ Việt Nam còn sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.

Theo Báo cáo, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong lịch sử hiện đại, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam có được kết quả như vậy là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại.

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Với thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19, theo tất cả các chuẩn mực, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng COVID-19, Báo cáo nhận định.

Bước ngoặt mới

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch COVID-19, dù vẫn còn tiềm tàng những rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa. Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư và đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, với Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704, Việt Nam đã lần đầu tiên vào nhóm các nước đạt chỉ số này ở mức cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. 

Cũng trong ngày 21/12, tại Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cũng nhắc tới thực tế là trong khi các nước đang vật vã chống dịch thì Việt Nam đã tăng trưởng dương, trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trên thế giới, có lẽ chỉ Việt Nam mới có thành công lớn như vậy".

Ngài Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng với cách ứng phó chính xác của Việt Nam trong chống COVID-19, cả với các chính sách trong điều kiện "bình thường mới" hiện nay. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam làm điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức và hai vị Thủ tướng đã xây dựng được mối quan  hệ tin cậy. Các nhà đầu tư thế giới, trong đó có Nhật Bản đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau COVID-19.

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, Đại sứ Nhật Bản cho biết Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đứng đầu khi có tới 37 doanh nghiệp - trong số 81 doanh nghiệp được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ - quyết định đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.

Việt Nam đã đón năm 2020 bằng niềm hứng khởi chưa từng có trong nhiều năm, để rồi đại dịch ập tới làm xáo trộn nhiều kế hoạch, nhưng càng về những ngày cuối cùng của năm, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp càng được củng cố, cách đánh giá của cộng đồng quốc tế về Việt Nam như một hình mẫu trong cơn sóng gió toàn cầu càng được khẳng định chắc chắn hơn.

Những kết quả đạt được thời gian qua càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới 2021-2030 với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Hà Chính

339 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1281
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1281
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149004