Vững thành biên cương 

(nhandan)- Trên đỉnh Trường Sơn chót vót, mái đông là Tổ quốc Việt Nam, mái tây là nước bạn Lào. Ðiểm chính giữa hai mái đông - tây là dãy cột mốc chủ quyền quốc gia Việt Nam được dựng bằng đá hoa cương uy nghi, sừng sững. Góp phần gìn giữ vững chắc từng cột mốc, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi phên giậu của Tổ quốc, tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào, nhiều chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình.

Vững thành biên cương

Các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hướng Lập trong phiên tuần tra song phương với nước bạn Lào.

Vượt rừng Trường Sơn tuần tra đường biên vào một ngày cuối tháng 2. Mùa Xuân đang độ chín. Hoa trẩu nở trắng rừng, đẹp đến nao lòng. Ðoàn gồm Ðại úy Trần Thái Sơn, Thiếu tá Phạm Quang Lưu, Phó trưởng Ðồn Biên phòng Hướng Lập, Trung tá Ma Phương Trình, chính trị viên phó cùng nhiều đồng chí nữa đến tuần tra cột mốc chủ quyền 577, đường biên giới ở thôn Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Ðây là cột mốc nằm ở vị trí xa nhất trong phạm vi đồn quản lý. Xuất phát từ 6 giờ sáng với cơm vắt mang theo, đoàn lội suối, leo núi. Núi liền núi dựng đứng, phải níu dây rừng mà leo, gót chân của người leo trước gần như chạm vào mặt người leo sau.

Trưa, 12 giờ rưỡi, anh em mới lên đến vị trí cột mốc. Mây trắng như đang ở ngang đầu. Chung quanh cột mốc là một khoảng sân bê-tông nhỏ, bằng phẳng. Mặt trước cột mốc khắc đậm, sâu dòng chữ: Việt Nam, số hiệu 577. Phía sau cột mốc là địa phận của bản Pha Băng, huyện Sê-Pôn, tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt của nước bạn Lào. Áp ngực vào cột mốc, giữa núi rừng hùng vĩ, như cảm nhận được hơi thở của gió, nhịp đập của từng tấc đất Tổ quốc. Không ai nhắc ai, mọi người trong đoàn xếp hàng ngang, chào cột mốc rồi tiến hành kiểm tra khuôn viên, vị trí cột mốc, chụp ảnh hiện trường… dùng khăn lau sạch sẽ bốn mặt, xem cột mốc có bị sứt mẻ, có nét chữ nào bị mờ, cần sơn lại không. Xong việc tuần tra, chúng tôi xuống núi rồi tiếp tục lội suối, leo núi đi bộ đến gần 6 giờ chiều cùng ngày mới về đến Ðồn Biên phòng Hướng Lập.

Các anh kể gian nan nhất là những lần tuần tra canh giữ vào mùa đông rét buốt. Ðường đến cột mốc ngoài sương lạnh giá, rêu mọc trên đá gây trơn trượt thì còn đầy rẫy vắt xanh hút máu người. Ðối phó với chúng, các anh thường xỏ tất cao quá gối và cài áo kín người, tuy vậy vắt vẫn chui vào được bên trong để cắn. Chiến sĩ Hồ Văn Chi trong một lần tuần tra cảm nhận tấm áo mình đang mặc ươn ướt, tưởng mồ hôi chảy, nhìn kỹ thấy máu đỏ loang cả áo. Ðồng đội giúp “truy tìm” mới thấy dấu vết con vắt xanh chui sâu vào phần ngực để cắn...

Ðại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, trên tuyến biên giới Quảng Trị và hai tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt, Sa-la-van của Lào dài gần 190 km có 62 vị trí mốc/68 cột mốc được tăng dày, tôn tạo. Hơn 10 năm trước, các chiến sĩ biên phòng cùng dân bản ngày đêm âm thầm cõng cột mốc lên non cao để xây tường thành vĩnh cửu cho Tổ quốc. Ðược làm bằng đá gờ-ra-nít, mỗi cột có trọng lượng từ 150 đến 500 và 1.000 kg. Ðể đưa các cột mốc nặng ấy lên độ cao hơn 1.000 m cắm đúng tọa độ, các anh cùng đơn vị xây dựng đã tự chế máy tời nâng mốc lên từng đoạn, từng đoạn một. Trong hành trình cắm mốc chủ quyền gian nan, nhất là đi tìm vị trí thực địa chính xác, được thể hiện bằng những cái chấm li ti trên bản đồ hai nước, đang nằm ở đâu trên những đỉnh Trường Sơn cao vời vợi. Thế rồi sau nhiều năm gian khổ, các anh đã cắm xong cột mốc chủ quyền theo chủ trương tăng dày, tôn tạo...

Ðã nhiều lần đến miền biên viễn của Tổ quốc nhưng lần này cảm giác thật xúc động, khó tả. Ðồn Biên phòng Hướng Lập (trước là Cù Bai) đã hai lần vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do Ðồn ở vị trí quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch từ bắc vào nam, nên từ năm 1967 đến 1972, đế quốc Mỹ thường xuyên đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ðể bảo vệ nơi này nhiều người lính biên phòng đã ngã xuống, máu của các anh đã thấm sâu vào đất!

Ðịa bàn quản lý của Ðồn Biên phòng Hướng Lập hiện có 16 cột mốc trải dài trên hai xã Hướng Lập và Hướng Việt. Mỗi cột mốc là một điểm xác nhận chủ quyền. Người dân biên giới lúc nào cũng một lòng vì Tổ quốc. Ông Hồ Văn Liếp ở bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, năm nay 63 tuổi kể, gia đình ông mấy đời liên tiếp ở lại đất này góp sức gìn giữ, bảo vệ biên giới. Cha của ông thường dạy các con phải bảo vệ thật tốt biên cương. Nhớ lời cha dặn, ông Liếp luôn nhắc nhở con mình và vận động, hướng dẫn dân bản thực hiện đúng trách nhiệm mỗi người dân như mỗi cột mốc chủ quyền. Các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra, luôn thấy cột mốc được vệ sinh sạch sẽ. Ðó chính là do những dân trong bản đã chủ động phát dọn.

Ðối diện với bản Ka Tiêng của xã Hướng Việt là bản A Via thuộc cụm bản La Cồ, huyện Sê-Pôn của nước bạn Lào. Những người từng công tác tại đây có lẽ không ai quên được người mẹ Lào hiền lành Hồ Thị Ðom. Mỗi khi gia đình trồng được mớ rau, làm được ít gạo nếp mẹ lại mang qua trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng Việt Nam tặng vì thương các anh luôn xa nhà. Mẹ xem bộ đội Việt Nam như con mình. Ngược lại, mỗi khi nuôi được con cá, có gói mì chính, những chiến sĩ Biên phòng Việt Nam lại chia sẻ cùng mẹ Ðom cũng như dân bản A Via. Vì vậy, dẫu thuộc hai dân tộc, ở hai đất nước, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và dân bản Lào luôn gắn bó thân thiết với nhau như anh em, gia đình. Còn nhớ cách đây hai năm tại bản A Xing, huyện Sa-Muội, tỉnh Sa-la-van của Lào, một hộ dân trước khi ngủ quên dập tắt bếp lửa nên gây cháy thiêu rụi 34 ngôi nhà của dân bản. Chia sẻ với những khó khăn của bạn, những chiến sĩ Biên phòng Việt Nam kịp thời phối hợp chính quyền địa phương tặng mỗi hộ dân hai triệu đồng cũng như góp thêm công sức giúp họ kịp dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

Những ngày ở lại biên giới, tôi được người dân kể cho nghe câu chuyện tình giữa chiến sĩ biên phòng Hồ Văn Chum quê ở xã A Vao, huyện miền núi Ða Krông và người con gái Vân Kiều ở xã Hướng Việt. Ba năm trước, anh Chum đến nhận công tác ở Ðồn Biên phòng Hướng Lập và sau đó nên duyên với chị Hồ Thị Tám, đang công tác tại Trạm Y tế xã Hướng Việt qua những lần phối hợp công tác chăm sóc đường biên mốc giới. Anh chọn Hướng Việt làm quê hương thứ hai của mình. Bây giờ, anh được đơn vị cho đi học nâng cao trình độ, chị ở lại với bản làng hằng ngày chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Để giáo dục học sinh biên giới về bài học bảo vệ chủ quyền quốc gia, Ðồn Biên phòng Hướng Lập thường phối hợp địa phương, nhà trường tổ chức tiết học ngay cột mốc chủ quyền 591 ở xã Hướng Việt. Ðây là nơi có cửa khẩu phụ Tà Rùng thông với nước bạn Lào. Các em đến chào cờ tại cột mốc, được nghe chiến sĩ biên phòng giới thiệu về lịch sử, truyền thống của đất nước Việt Nam, tình hữu nghị bền chặt, son sắt và thủy chung giữa hai dân tộc, hai đất nước. Kết thúc buổi học, tất cả đều hòa giọng hát vang Quốc ca bằng tất cả nhiệt huyết, sự chân thành nhất của mỗi người con đất Việt; với niềm tự hào, tin yêu vùng đất nơi biên cương Tổ quốc luôn được bảo vệ vững chắc.

BÀI VÀ ẢNH: LÂM QUANG HUY

378 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 777
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 777
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87060844